Thứ sáu,  20/09/2024
Sáp nhập thôn, khối phố:

Hữu Lũng đi đầu

LSO-Phát huy kết quả đạt được trong thực hiện sáp nhập thôn, khối phố giai đoạn 2014 – 2017, từ năm 2018, Hữu Lũng quyết tâm sắp xếp, sáp nhập các thôn và tiểu khối phố ít hộ dân. Đây cũng là huyện thực hiện trước một bước so với các huyện khác trong tỉnh.


UBND xã Cai Kinh họp triển khai việc sắp xếp, sáp nhập thôn

Quyết tâm sáp nhập 78 thôn

Giai đoạn 2014 – 2017, cả tỉnh sáp nhập được 19 cặp thôn thành 9 thôn, riêng huyện Hữu Lũng có 4 thôn được sáp nhập. Kết quả này giúp huyện trở thành 1 trong 3 huyện đầu tiên của cả tỉnh (Hữu Lũng, Cao Lộc, Bắc Sơn) có thôn sáp nhập ở giai đoạn trước. Giai đoạn 2018 – 2030, huyện tiếp tục lên phương án sáp nhập thôn, tiểu khối phố ít hộ dân. Theo chỉ đạo của tỉnh, giai đoạn 2018 – 2020, sắp xếp, sáp nhập các thôn ở những nơi có điều kiện khó khăn dưới 50 hộ, các khối phố có dưới 100 hộ; giai đoạn 2021 – 2025, sáp nhập các thôn dưới 100 hộ, khối phố có dưới 200 hộ; giai đoạn 2026 – 2030, sáp nhập các thôn có dưới 200 hộ, các khối phố có dưới 300 hộ. Riêng Hữu Lũng và thành phố Lạng Sơn sẽ đi trước một bước, đó là giai đoạn 2018 – 2020 sẽ thực hiện sáp nhập thêm đối với các thôn có dưới 100 hộ, các khối phố có dưới 200 hộ; giai đoạn 2021 – 2025, huyện sẽ sáp nhập thôn có dưới 200 hộ, khối phố có dưới 300 hộ.

Năm 2018 là năm khởi điểm về sáp nhập thôn, khối phố trong lộ trình từ năm 2018 – 2030. Huyện đã đề xuất và được UBND tỉnh cho chủ trương sáp nhập 78 cặp thôn thành 39 thôn tại 19 xã. Trong đó có 5 thôn có từ 15 – 43 hộ, 21 thôn từ 51 – 143 hộ. Ông Mai Xuân Thắng, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Hữu Lũng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) việc sắp xếp, sáp nhập các thôn, khối phố trên địa bàn huyện cho biết: Việc thực hiện trước một bước trong sáp nhập thôn, khối phố cũng là một thách thức của cấp ủy, chính quyền huyện. Bởi số hộ tại các thôn, khối phố chủ yếu từ 50 hộ trở lên nên khi lấy ý kiến sẽ không tránh khỏi sự băn khoăn, lo lắng từ phía cán bộ, đảng viên và người dân. Để khắc phục khó khăn, từ đầu năm 2018 đến nay, các thành viên BCĐ của huyện đã sâu sát, tích cực đến cơ sở; các cấp, ngành liên quan vào cuộc mạnh mẽ trong chỉ đạo, kiểm tra, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc; cấp ủy, chính quyền cơ sở cũng sâu sát với dân, nhờ đó tạo được kết quả bước đầu.

Tạo sự đồng thuận trong dân

Tại xã Yên Sơn, năm 2018, dự kiến sẽ sáp nhập 4 thôn thành 2 thôn gồm sáp nhập thôn Lân Nóng với thôn Loi và thôn Nong Thâm với thôn Hạ. Khi nói về câu chuyện sáp nhập thôn, chị Nông Thị Thanh, thôn Lân Nóng vui vẻ: “Thôn chỉ có 15 hộ dân thì việc sáp nhập với thôn Loi là cần thiết. Nếu sáp nhập, khoản ngân sách chi trả cho bộ máy hoạt động ở thôn sẽ được giảm và tiết kiệm để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới thì tốt quá. Tôi hoàn toàn nhất trí chủ trương này miễn sao không ảnh hưởng đến quyền lợi, nghĩa vụ và cuộc sống của người dân”.

Còn đối với xã Cai Kinh hiện tại có 10 thôn; theo lộ trình đến năm 2030, xã sẽ sáp nhập 10 thôn thành 5 thôn. Năm 2018, 2 thôn được sáp nhập đầu tiên là Đồng Thuốc và Làng Bến. Ông Hoàng Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Cai Kinh cho biết: Lúc đầu, bà con đều đưa ra những khó khăn về lối sống, phong tục tập quán, văn hóa… nếu sáp nhập. Sau khi được tuyên truyền, giải thích rõ ràng, cụ thể dần dần bà con hiểu rằng cần phải thay đổi để giảm cồng kềnh cho bộ máy, tiết kiệm ngân sách nhà nước nên cơ bản nhất trí, đồng thuận sáp nhập thôn.

Tính đến thời điểm này, các xã có thôn sáp nhập trong năm 2018 tại huyện Hữu Lũng đã tổ chức xong việc lấy ý kiến và tổng hợp ý kiến cử tri để trình HĐND cùng cấp ban hành nghị quyết sáp nhập thôn, khối phố. Ông Mai Xuân Thắng cho biết: Qua tổng hợp từ cơ sở cho thấy, cơ bản cử tri đồng tình chủ trương sáp nhập thôn, khối phố nên không có vướng mắc gì. Đây là kết quả khả quan để thời gian tới tiếp tục triển khai thực hiện chiến lược sắp xếp, sáp nhập thôn, khối phố ở Hữu Lũng thành công.

HÀ MY