Thứ sáu,  20/09/2024
Khu “dinh thự cổ” Vi Văn Định:

Cần quan tâm xây dựng thành điểm du lịch

LSO-“Dinh thự” thời phong kiến

 
Cổng vào khu “dinh thự cổ” Vi Văn Định đang bị xuống cấp

Theo các văn bia, sử sách ghi lại, ông Vi Văn Định sau khi làm Tri châu Lộc Bình đã xây dựng một “dinh thự” nằm trong khuôn viên 1 ha với quy mô gồm: 1 nhà chính xây bằng gạch nung 2 tầng mái lợp ngói âm dương, 1 nhà ngang khu phụ trợ; phía sau nhà chính có 1 sân quần vợt bằng đất nện. Trong khuôn viên có 3 ao lớn khoảng 7 mẫu (Bắc Bộ), xung quanh xây 5 cổng ra vào. Gần “dinh thự” cách 400 m có 1 giếng nước “thần” có tuổi đời khoảng 100 năm, cung cấp nước sinh hoạt cho hàng chục hộ dân của thôn; 1 ngôi chùa rộng khoảng 100 m2, cách đó không xa có một ngôi đình làng.

Tháng 8/1928, Pháp đã cử ông Vi Văn Định về làm Tổng đốc ở Thái Bình. Cũng từ đây, dòng họ Vi chấm dứt việc trấn ải biên cương. Khu “dinh thự” cũng bị bỏ quên trở nên hoang hóa, rêu phong. Một thời gian sau, bộ đội ta đã chọn đây làm khu căn cứ. Dân làng cũng thường lấy đây làm nơi sinh hoạt thôn. Cuối năm 1960, Trại cá 67 của ngành nông nghiệp đã về đây để làm nghiên cứu.

Ông Lộc Văn Độ, Chủ tịch UBND xã Khuất Xá cho biết: Khu “dinh thự cổ” của ông Vi Văn Định bị bỏ hoang hiện chỉ còn khu chiến tích; gần đây, xã đã tiến hành sử dụng một phần diện tích xây dựng Trường Mầm non xã. Hiện tại, khu vực này chưa được khoanh vùng cấp sổ đỏ toàn bộ khu. Đến năm 2016, xã mới tiến hành khôi phục ngôi đình làng. Còn ngôi chùa vẫn tan hoang. Tuy nhiên, xã vẫn quản lý 3 ao trước cổng đi vào khu “dinh thự” của thời ông Vi Văn Định để lại và còn lưu giữ 2 cổng chính tuy đã xuống cấp nghiêm trọng. Hiện nay, 2 ao trước cổng chính xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường khá nghiêm trọng. Xã dự định sẽ san lấp 1 ao để khắc phục ô nhiễm môi trường.

Ông Hoàng Văn Báo, 70 tuổi, người quản lý khu nhà thờ tổ họ Vi từ năm 2012 cho biết: Năm 2015, dòng họ Vi đã xin phép các cơ quan chức năng xây dựng nhà thờ tổ họ Vi và nhà trông coi bằng nguồn kinh phí dòng họ. Đến năm 2016, hai ngôi nhà này đã hoàn thành đưa vào sử dụng với tổng kinh phí khoảng 1 tỷ đồng. Hiện tại, nơi nhà thờ tổ họ Vi còn lưu giữ gần 50 bức ảnh, bản khắc, tư liệu có giá trị liên quan đến dòng họ và gia đình ông Vi Văn Định. Bình quân mỗi tháng, khu nhà này có từ 2 đến 3 đoàn khách nước ngoài, mỗi đoàn có 5-7 người đến tham quan nghiên cứu lịch sử. Về bản thân, ông Vi Văn Định có 7 vợ và 17 đứa con; hiện còn 3 con trai và 3 con gái đang sinh sống làm việc tại Hà Nội, hằng năm vẫn tổ chức về thăm.

Cần thiết phục hồi “dinh thự cổ”

Khu “dinh thự cổ” của ông Vi Văn Định cách trung tâm huyện Lộc Bình 8 km, có đường giao thông liên xã khá thuận lợi; một địa danh hiện còn lưu giữ nhiều phong tục, tập quán văn hóa của người Tày. Hơn nữa, nơi đây có phong cảnh thơ mộng, không khí trong lành; gắn với đó là vùng sản xuất chuyên canh nông nghiệp khá thuận lợi của huyện, có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng như: ngô, khoai lang ruột vàng, dưa hấu, chanh leo… Nơi đây đã trở thành điểm có tiềm năng thế mạnh phát triển du lịch gắn với vùng di tích lịch sử ở huyện Lộc Bình.

Chính vì vậy, để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 08/TW của Bộ Chính trị về “Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn” và Nghị quyết số 42-NQ/TU ngày 21/6/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn về phát triển du lịch Khu vực Mẫu Sơn thành điểm du lịch quốc gia, cần thiết phải quan tâm đến công tác phục dựng lại khu “dinh thự cổ” này. Từ đó hướng tới xây dựng thành tuyến du lịch khép kín trong vùng bao gồm: Linh địa cổ – Khu kinh tế cửa khẩu Chi Ma – Khu “dinh thự cổ” Vi Văn Định – Khu công nghiệp Na Dương…

Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Ngành đã có ý kiến với huyện Lộc Bình cần sớm hoàn thiện hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt công nhận xếp hạng di tích.

Ông Vi Văn Định dân tộc Tày, sinh ngày 27/8/1880 tại Bản Chu, xã Khuất Xá, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Ông thuộc đời thứ 14 của dòng họ Vi, thay cha đảm trách việc quan trấn ải ở khu vực biên giới phía Bắc. Ông được mệnh danh là “ông vua” đất Bắc, làm Tổng đốc Thái Bình, được triều đình cử đảm nhiệm nhiều trọng trách. Nghe theo tiếng gọi của Hồ Chủ tịch, ông Vi Văn Định đi theo cách mạng, là Ủy viên Trung ương Hội Liên Việt. Kháng chiến thành công, ông sống ở Hà Nội, làm Ủy viên Trung ương MTTQ Việt Nam… Năm 1942, ông nghỉ hưu và trở về khu “dinh thự” an dưỡng tuổi già.
 MINH TRANG