Thứ sáu,  05/07/2024

Sáp nhập thôn, khối phố kết quả bước đầu

(LSO) – Năm 2018, tỉnh Lạng Sơn đẩy mạnh thực hiện sắp xếp, sáp nhập thôn có quy mô dưới 50 hộ, khối phố dưới 100 hộ và đạt những kết quả nhất định. Kết quả đó đánh dấu mốc quan trọng trong lộ trình sáp nhập thôn, khối phố đến năm 2030.

Xã Yên Khoái (huyện Lộc Bình) có 2 thôn dưới 50 hộ sáp nhập thành 1 thôn mới lấy tên là Quân Phát. Khi chưa sáp nhập, thôn Nà Quân chỉ có 37 hộ và Nà Phát có 35 hộ. Lúc đầu, người dân lo lắng việc sáp nhập ảnh hưởng đến đời sống vì mỗi thôn có nếp sinh hoạt riêng. Các cấp chính quyền từ huyện đến xã đã tích cực tuyên truyền đến từng hộ dân trong thôn, giải thích cho người dân hiểu được lợi ích sau khi sáp nhập. Dần dần bà con hiểu và đồng thuận.

Ông Trịnh Văn Thị, người dân thôn Nà Phát cho biết: Ban đầu, chưa hiểu nên tôi lo sáp nhập thôn sẽ đảo lộn cuộc sống sinh hoạt của người dân hai thôn, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Sau khi được các cấp, chính quyền tuyên truyền, chúng tôi đã hiểu được việc sáp nhập nhằm để hai thôn tập trung hơn, bộ máy giảm cồng kềnh, nhà nước giảm gánh nặng chi phí…nên tôi và cả thôn đều nhất trí sáp nhập với thôn Nà Quân.

Tổ công tác của UBND huyện Lộc Bình tuyên truyền cho người dân xã Yên Khoái về việc sáp nhập thôn, khối phố

Lộc Bình là huyện có số đơn vị hành chính cấp xã và số thôn, khối phố nhiều nhất toàn tỉnh với 27 xã, 2 thị trấn, 286 thôn, khối phố. Trong năm 2018, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, xây dựng đề án chi tiết và tổ chức lấy ý kiến cử tri các thôn, khối phố sáp nhập. Qua đây, UBND huyện đã xây dựng 23 phương án sáp nhập 46 thôn, khối phố thành 23 thôn, khối phố.

Tương tự huyện Lộc Bình, Tràng Định cũng đã tích cực triển khai đề án sắp xếp, sáp nhập các thôn trong năm 2018. Huyện đã đề xuất 62 phương án sáp nhập 157 thôn thành 62 thôn. Đây là huyện đề xuất được nhiều phương án sáp nhập thôn, khối phố nhất trong tỉnh. Trong đó, có 1 phương án sáp nhập 6 thôn thành 1 thôn mới là các thôn: Bản Chè (28 hộ dân), Bản Chang (15 hộ dân), Phiêng Piào (13 hộ dân), Bản Pheng (19 hộ dân), Bản Deng (19 hộ dân), Pò Túng (12 hộ dân) thuộc xã Đào Viên.

Ông Lý Văn Lâm, Chủ tịch UBND huyện Tràng Định cho biết: Từ đầu năm 2018, huyện đã ban hành kế hoạch về sáp nhập thôn, khối phố và triển khai đến UBND cấp xã. Ngoài ra, UBND huyện tổ chức hội thảo khoa học lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân liên quan để bàn về việc sáp nhập thôn, khối phố. Sau khi có sự thống nhất, UBND huyện yêu cầu các xã triển khai việc sáp nhập và coi đó là nhiệm vụ trọng tâm trong năm. Đối với những địa bàn phức tạp, cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện đã tích cực tuyên truyền về tầm quan trọng, ý nghĩa của việc sáp nhập, đồng thời rà soát, xây dựng phương án sáp nhập thôn hợp lý, khoa học, phù hợp với thực tế để tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.

Với nỗ lực của các cấp ủy chính quyền và nhân dân trong toàn tỉnh, tính đến hết năm 2018, Lạng Sơn đã sáp nhập được 537 thôn, khối phố thành 249 thôn. Tổng số thôn, khối phố toàn tỉnh giảm từ 2.313 thôn, khối phố xuống còn 1.776 thôn, khối phố; giảm được 288 thôn, khối phố. Trong khi đó, từ năm 2014 đến đầu năm 2018, toàn tỉnh chỉ sáp nhập được 19 thôn thành 9 thôn; giảm được 10 thôn. Như vậy, kết quả sáp nhập thôn, khối phố năm 2018 nổi bật so với những năm về trước.

Ông Mã Văn Đâu, Phó Trưởng phòng Xây dựng chính quyền và Công tác thanh niên, Sở Nội vụ cho biết: Sau khi HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về sáp nhập các thôn, khối phố, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo UBND các huyện, thành phố rà soát, sắp xếp lại đội ngũ người hoạt động không chuyên trách tại các thôn, khối phố. Đồng thời bố trí, sắp xếp và sử dụng cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa của thôn, khối phố tiết kiệm, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hoạt động của thôn, khối phố sau khi nhập. Các cơ quan chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ được giao sẽ có trách nhiệm hướng dẫn, giải quyết việc cải chính, chỉnh sửa hồ sơ, giấy tờ của tổ chức, công dân do có sự thay đổi về phạm vi, tên gọi của thôn, khối phố sau khi sáp nhập.

TRANG VÂN