Thứ sáu,  20/09/2024

Mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân: Dù khó cũng nỗ lực thực hiện

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian gần đây, số người tham gia bảo hiểm xã hội ở nước ta giảm, tỷ lệ nợ đóng bảo hiểm xã hội tăng, làm ảnh hưởng đến lộ trình thực hiện mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân. Tuy nhiên, để bảo đảm an sinh xã hội cũng như quyền lợi cho người dân, dù khó khăn đến đâu các bên liên quan cũng cố gắng thực hiện mục tiêu này.

Nhân viên Bưu điện thành phố Hà Nội (bên phải) phát tờ rơi tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội đến người lao động tự do ở khu vực chợ Hà Đông (quận Hà Đông).

Những con số “biết nói”

Kết quả điều tra lao động, việc làm do Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, trong quý I-2021, cả nước ghi nhận hơn 9,1 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. “Điều này làm ảnh hưởng đến nhiều vấn đề xã hội, trong đó có việc thực hiện mục tiêu bảo hiểm xã hội”, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Phạm Quang Vinh đánh giá.

Còn Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, tính đến hết quý I-2021, cả nước có hơn 16 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội (bằng 32,17% lực lượng lao động trong độ tuổi), giảm gần 190.000 người so với cuối năm 2020.

Điều đáng quan tâm, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần và rời khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội có chiều hướng tăng. “Trong 3 tháng đầu năm nay, cả nước có 226.503 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, tăng hơn 20,5% so với cùng kỳ năm 2020, làm ảnh hưởng đến nhiều người, nhiều phía. Với người lao động, khi nhận bảo hiểm xã hội một lần, họ không còn cơ hội hưởng lương hưu để bảo đảm cuộc sống khi về già”, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Đỗ Ngọc Thọ trăn trở.

Trong khi đó, tỷ lệ nợ đóng bảo hiểm xã hội chưa giảm. Làm việc tại một doanh nghiệp đang nợ đóng bảo hiểm xã hội, anh Nguyễn Hữu Tiến (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa) phản ánh: “Nếu không may bị ốm đau, tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp, hoặc rơi vào cảnh thất nghiệp, chúng tôi sẽ không được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách theo quy định”.

Cùng hành động khẩn trương

Năm 2021, cả nước phấn đấu có số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 35,2% lực lượng lao động trong độ tuổi. Như vậy, từ nay đến cuối năm, các cơ quan chức năng cần phát triển thêm gần 1,2 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội. Đến năm 2025, tỷ lệ này sẽ tăng lên 45% và đến năm 2030 tăng lên 60%.

Theo Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Hòa, để thực hiện mục tiêu trên, ngoài những giải pháp đã triển khai, thành phố tập trung thanh tra, kiểm tra việc đóng bảo hiểm xã hội, làm căn cứ đề xuất xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm. Ngoài ra, 30/30 quận, huyện, thị xã cũng nỗ lực thu hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội. Chẳng hạn, quận Tây Hồ đã xây dựng đề án “Phát triển bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn quận Tây Hồ giai đoạn 2021-2025” và sắp xếp lại hệ thống đại lý thu bảo hiểm xã hội, bảo đảm mỗi phường có ít nhất một đại lý thu. “Cán bộ cấp cơ sở là người gần dân, hiểu rõ nhu cầu của từng nhóm đối tượng, nên sẽ là “nhịp cầu” đưa chính sách bảo hiểm xã hội vào đời sống”, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Phạm Xuân Tài chia sẻ.

Nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động, công đoàn các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã lưu ý người lao động không nên rời khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội. Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam Đinh Quang Dương cho biết: “Chúng tôi đã phân tích để người lao động nhận thấy, việc nhận bảo hiểm xã hội một lần chỉ có thể giải quyết những khó khăn trước mắt, nhưng lại làm mất đi những lợi ích lâu dài. Khi hiểu rõ, đa số người lao động cố gắng duy trì việc làm, gắn bó với doanh nghiệp để được bảo đảm các quyền lợi”.

Tương tự, các tỉnh, thành phố khác cũng triển khai nhiều giải pháp để mở rộng số người tham gia bảo hiểm xã hội. Song, về lâu dài, nhiều ý kiến cho rằng, chính sách bảo hiểm xã hội cần được thiết kế lại cho phù hợp với thực tế.

Về vấn đề này, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, trước mắt, ngành Bảo hiểm xã hội phối hợp với các bộ, ngành chức năng, các địa phương tăng cường đôn đốc thu, giảm nợ đóng bảo hiểm xã hội; tạo điều kiện thuận lợi để người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19 tiếp cận với các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội, giúp họ không phải rời khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội.

Liên quan đến việc điều chỉnh chính sách bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thông tin, Bộ vừa có tờ trình đề nghị Chính phủ về xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) theo hướng linh hoạt, mở rộng đối tượng tham gia. Việc hỗ trợ mức đóng cho những người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng được đề xuất điều chỉnh theo hướng tăng lên, mở rộng đối tượng được hỗ trợ…

Theo Hanoimoi