Thứ sáu,  20/09/2024
Trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm:

Yếu tố đảm bảo an toàn thực phẩm

LSO-Ý thức chấp hành quy định pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) của các cơ sở sản xuất, kinh doanh (SXKD) thực phẩm chưa cao là một trong những nguyên dân dẫn đến mất ATTP. Do đó, thời gian qua, các cấp, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người SXKD thực phẩm. 

Cán bộ Đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh
lấy mẫu nước tại cơ sở sản xuất nước đóng chai Thảo Nguyên

Hiện nay, trên phương tiện thông tin đại chúng vẫn có nhiều thông tin liên quan đến mất ATTP khiến người dân lo lắng. Ví như: việc sử dụng chất cấm trong SXKD thực phẩm; thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; điều kiện chăn nuôi, hạ tầng chợ chưa đạt mức an toàn… Đối với Lạng Sơn, ngoài những lo lắng trên, người dân còn lo ngại việc thực phẩm nhập lậu không có giấy kiểm định chất lượng; cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ chưa kiểm soát được mức độ an toàn…

Nguyên nhân của tình trạng trên là do người SXKD thực phẩm chạy theo lợi nhuận, không chấp hành nghiêm các quy định về ATTP. Do đó, việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của người SXKD thực phẩm là một trong những biện pháp quan trọng để đảm bảo ATTP.

Để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người SXKD thực phẩm, từ đầu năm 2018 đến nay, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh nhiều hoạt động. Cụ thể, ngành chức năng đã cấp phát, treo trên 21.200 tờ rơi, tờ gấp, tài liệu, băng rôn tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP (tăng hơn 3.000 sản phẩm so với cùng kỳ năm 2017); cấp 15 giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, giấy xác nhận công bố hợp quy, giấy tiếp nhận ban bố sản phẩm hợp quy, nâng tổng số cơ sở được cấp giấy chứng nhận lên trên 5.250 cơ sở; giám sát mối nguy gây ô nhiễm thực phẩm với 874 mẫu test nhanh (cùng kỳ năm ngoái chỉ giám sát 1 mẫu), trong đó phát hiện 8 mẫu không đạt, các mẫu này đã được truy xuất nguồn gốc và xử lý cơ sở vi phạm theo quy định.

Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh cũng đã kiểm tra 21/21 cơ sở SXKD thực phẩm (tăng 3 cơ sở so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó có 12 cơ sở vi phạm (lỗi không thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên; sử dụng nước không đạt tiêu chuẩn; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc…) đã xử phạt 14 triệu đồng. Thực hiện chủ đề Tháng hành động vì ATTP năm 2018, từ cuối tháng 4/2018 đến nay, Đoàn kiểm tra liên ngành Vệ sinh ATTP tỉnh đã thanh, kiểm tra và lấy mẫu nước tại 64/64 cơ sở sản xuất nước đóng chai, đá lạnh (cùng kỳ năm ngoái kiểm tra 1 cơ sở nước đóng chai) trên địa bàn tỉnh, hiện đang chờ kết luận của Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia. Đồng thời kiểm tra 10 cơ sở SXKD thực phẩm, trong đó 5 cơ sở vi phạm (lỗi không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc thực phẩm, không có giấy khám sức khỏe, mẫu thức ăn lưu trữ không đúng quy định…) đã bị xử phạt với số tiền gần 5 triệu đồng…

Ví dụ như tại cơ sở nước đá dùng liền trên đường Bà Triệu, thành phố Lạng Sơn, khi được đoàn kiểm tra của Chi cục Vệ sinh ATTP kiểm tra, sau một hồi tìm tài liệu, giấy tờ với những lý do cá nhân, bà Mai Phương Trâm, chủ cơ sở mới thừa nhận thiếu giấy đăng ký đủ điều kiện kinh doanh và giấy khám sức khỏe cho người lao động. Với vi phạm này, chủ cơ sở cam kết sẽ sớm khắc phục sai sót.

Còn đối với cơ sở nước đóng chai Thảo Nguyên ở xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn, ông Nguyễn Quang Hải, chủ cơ sở được đoàn kiểm tra liên ngành thông báo đã khắc phục đầy đủ kiến nghị kiểm tra lần trước về thiếu các giấy tờ liên quan, trang phục cho công nhân… Ông Hải cho biết: Sau khi khắc phục những thiếu sót theo quy định, tôi cam kết không để xảy ra sai sót nữa. Đây cũng chính là điều kiện để cơ sở ngày càng tạo niềm tin, khẳng định uy tín với khách hàng.

Theo ông Phạm Công Anh, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh ATTP tỉnh, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nên ý thức trách nhiệm của chủ cơ sở SXKD trên địa bàn dần nâng lên. Từ đầu năm 2018 đến nay, không xảy ra ngộ độc thực phẩm trên địa bàn.

THANH HÒA