Theo tờ trình của Chính phủ, trong quá trình triển khai thi hành Luật Giao thông đường bộ đã xuất hiện một số tồn tại và các vấn đề phát sinh cần phải được xem xét để xây dựng Luật Đường bộ. Trong đó, tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị hiện nay còn thấp hơn so với quy định (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị lớn khác mới chỉ đạt từ 5 – 12% trong khi theo yêu cầu là từ 16% – 26%).

Giao thông tại các đô thị lớn còn thường xuyên ùn tắc, trong đó do một phần hạ tầng chưa đầy đủ, đồng bộ; hệ thống đường tỉnh thiếu vốn đầu tư xây dựng, chất lượng còn hạn chế; đường giao thông nông thôn, đặc biệt tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, chưa hoàn thành việc cứng hóa kết cấu mặt đường.

Hoàn thiện thể chế, chính sách huy động nguồn lực cho hạ tầng đường bộ
Quang cảnh tọa đàm về dự án Luật Đường bộ.

Nguồn vốn cho đầu tư từ ngân sách đối với hạ tầng giao thông đường bộ còn chiếm tỷ trọng thấp nên việc huy động nguồn vốn từ các thành phần kinh tế còn hạn chế do vướng mắc về cơ chế chính sách chưa đầy đủ, thiếu nhất quán, ổn định.

Về vận tải đường bộ, thị phần vận tải chưa hợp lý, việc phân loại loại hình kinh doanh vận tải chưa phù hợp với thực tế phát triển vận tải đường bộ, gây ra khó khăn trong công tác quản lý cũng như gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các loại hình có hoạt động tương tự nhau.

Để phát huy ưu điểm và khắc phục các hạn chế của Luật Giao thông đường bộ, cần tiến hành sửa đổi, bổ sung các quy định có tính chất đặc thù như: Đường cao tốc, cầu dài vượt biển…; các cơ chế để huy động các nguồn lực xã hội trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng đường bộ; ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành đặc biệt là hệ thống giao thông thông minh; điều chỉnh các loại hình kinh doanh vận tải cho phù hợp với thực tế.

Việc xây dựng Luật Đường bộ nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách tạo cơ chế để huy động tối đa mọi nguồn lực nhằm tạo đột phá trong đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ hiện đại, đồng bộ, làm cơ sở kết cấu lại các phương thức vận tải; nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo an đảm toàn vận tải đường bộ tạo nên thị trường vận tải có cơ cấu hợp lý, hiệu quả và cạnh tranh…

Hoàn thiện thể chế, chính sách huy động nguồn lực cho hạ tầng đường bộ
 Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ phát biểu tại tọa đàm.

Tại tọa đàm, một số đại biểu cho ý kiến về quy định của dự thảo luật đối với kinh doanh vận tải bằng ô tô. Trong đó, xe taxi truyền thống và taxi công nghệ về bản chất cùng cung cấp một loại dịch vụ nhưng đang chịu sự quản lý khác nhau, có thể dẫn đến thất thu thuế, cạnh tranh không bình đẳng. Có ý kiến cho rằng cần phân định rõ giữa đơn vị trung gian, chỉ cung cấp phần mềm hỗ trợ hoạt động vận tải và doanh nghiệp kinh doanh vận tải.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ nhấn mạnh, kinh doanh vận tải là loại hình kinh doanh có điều kiện. Trong đó, có một số đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ thông tin cho lĩnh vực kinh doanh vận tải. Nếu những đơn vị này can thiệp vào hoạt động vận tải như điều hành phương tiện và lái xe hoặc quyết định giá cước thì đều xác định là kinh doanh vận tải.

Phát biểu tại tọa đàm, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, dự thảo Luật Đường bộ đã được Chính phủ xây dựng và tiếp tục hoàn thiện trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó, dự thảo luật điều chỉnh 2 nhóm chính sách lớn là kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và vận tải đường bộ. Dự thảo luật đã bổ sung nhiều nội dung quy định chi tiết về hoạt động đầu tư, xây dựng, bảo trì, khai thác, vận hành kết cấu hạ tầng đường bộ, vận tải đường bộ, xây dựng chương riêng về đường bộ cao tốc…

Dự kiến, dự án Luật Đường bộ sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ sáu (Quốc hội khóa XV) và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ bảy (Quốc hội khóa XV).

Nguồn:https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/hoan-thien-the-che-chinh-sach-huy-dong-nguon-luc-cho-ha-tang-duong-bo-746304