Thứ hai,  08/07/2024

Nhiều trường chuẩn có nguy cơ rớt chuẩn

(LSO) – Việc đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia được triển khai trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn thời gian qua đã góp phần cải thiện cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy vậy, hiện nay, do hạn chế về nguồn lực tái đầu tư cho các trường nên nhiều trường đạt chuẩn đang đứng trước nguy cơ rớt chuẩn.

Là trường chuẩn quốc gia nhưng Trường THCS thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc còn thiếu các trang thiết bị phòng cháy

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện toàn tỉnh có 184 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 40 trường mầm non, 75 trường tiểu học, 59 trường THCS và 10 trường THPT. Theo quy định, thời hạn công nhận trường đạt chuẩn quốc gia là 5 năm kể từ ngày ký quyết định. Sau khi hết hạn, trường tự đánh giá, trình các cấp  có thẩm quyền để được kiểm tra công nhận lại. Khi các tiêu chí về chuẩn quốc gia đều đạt thì trường sẽ được công nhận đạt trường chuẩn quốc gia lần hai. Qua thống kê năm 2018, có 31 trường đã đến thời hạn công nhận lại trường đạt chuẩn quốc gia, sau khi kiểm tra, rà soát có đến 17 trường không đạt, chủ yếu là tiêu chí về cơ sở vật chất xuống cấp, chưa có kinh phí sửa chữa, nâng cấp bổ sung; một số trường thì tiêu chuẩn đội ngũ chưa đảm bảo do luân chuyển cán bộ; hay sĩ số lớp quá đông so với tiêu chuẩn 35 em trên 1 lớp học và vượt quá 30 phòng học trên 1 trường (cấp tiểu học).

Trường Tiểu học thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc là một trong hai trường tiểu học duy nhất của tỉnh được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Thời điểm được công nhận năm 2012, nhà trường vẫn nợ về tiêu chuẩn cơ sở vật chất do chưa có nhà đa năng và một số phòng bộ môn như: âm nhạc, mỹ thuật… Đến nay đã vượt quá thời hạn đề nghị công nhận lại 1 năm nhưng nhà trường vẫn chưa có kinh phí để hoàn thiện tiêu chí về cơ sở vật chất. Cô Nguyễn Hồng Hải, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ngoài cơ sở vật chất thì hiện một số tiêu chuẩn khác không đảm bảo như: sĩ số lớp học vượt quá quy định; đội ngũ giáo viên tuy đủ về cơ cấu, số lượng, nhưng năng lực thực tiễn của giáo viên chưa tương xứng với trình độ đào tạo. Chính vì vậy, chất lượng trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 chưa được như mong đợi.

Không chỉ Trường Tiểu học thị trấn Đồng Đăng mà hầu hết các trường trên địa bàn toàn tỉnh nói chung, sau khi đạt chuẩn, việc huy động nguồn lực, đầu tư bổ sung cơ sở vật chất cho các nhà trường trên địa bàn ngày càng hạn chế. Huyện Văn Lãng hiện có 14 trường chuẩn quốc gia. Ông Mã Văn Trường, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Lãng cho hay: Với các trường mới được công nhận thì các tiêu chí cơ bản đáp ứng trường chuẩn. Còn như với Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Văn Lãng được công nhận trường chuẩn từ năm 2005, sau khi đạt chuẩn đến nay cơ sở vật chất không còn đáp ứng tiêu chí trường chuẩn, nếu tiến hành công nhận lại nhà trường chắc chắn sẽ không đạt về tiêu chí cơ sở vật chất.

Trong khi bài toán nguồn lực đầu tư cho cơ sở vật chất trường học đang gặp khó khăn, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục nâng tiêu chí đạt chuẩn, khiến tình trạng mất chuẩn càng trở nên phổ biến. Như cấp mầm non, theo Điều lệ trường mầm non trước đây, phòng học và phòng ngủ của trẻ có thể dùng chung, nhưng Thông tư số 19/2018/TT-BGDĐT mới đây lại quy định phòng sinh hoạt chung của trẻ tách biệt phòng ngủ (trẻ mầm non có thể ngủ tại phòng sinh hoạt chung). Cấp tiểu học, THCS và THPT theo Thông tư số 17 và 18/2018/TT-BGDĐT, ở mục quy định về cơ sở vật chất, yêu cầu trường cần có các hạng mục như: khu phòng học, phòng bộ môn, phòng thiết bị dạy học, thí nghiệm với đầy đủ trang thiết bị; có thư viện, phòng truyền thống, nhà đa chức năng, nhà hiệu bộ… nên nhiều trường hiện không đáp ứng được tiêu chí này.

Ông Hoàng Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cho biết: Cơ bản các trường chuẩn quốc gia đã được công nhận trước, thì hiện khó khăn nhất vẫn là tiêu chí về cơ sở vật chất, do thiếu kinh phí đầu tư, xây dựng, mở rộng. Trước thực tế đó, thời gian tới Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục rà soát, quy hoạch, sắp xếp các điểm trường; tăng cường kiểm tra giữa kỳ đối với các trường đạt chuẩn để kịp thời chỉ đạo khắc phục, sửa chữa; tích cực thực hiện các đề án, dự án đã được tỉnh phê duyệt; đẩy mạnh xã hội hóa; đổi mới quản lý giáo dục, bố trí nhân sự; gắn công tác kiểm định giáo dục với xây dựng trường chuẩn quốc gia… góp phần duy trì, giữ vững trường chuẩn quốc gia đối với các trường trên địa bàn.

HOÀNG TÙNG