Thứ sáu,  20/09/2024

Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ chú trọng đến giáo dục toàn diện

 Ngày 6-3, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức sơ kết một năm triển khai thực hiện quyết định số 41/QĐ-TTg ngày 8-1-2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên giai đoạn 2018-2025”.

Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ chú trọng đến giáo dục toàn diện

Qua một năm triển khai Đề án, nhận thức, trách nhiệm của các cấp quản lý giáo dục trong việc xây dựng và chỉ đạo thực thi chính sách; hiểu biết và thực hành của giáo viên, học sinh, sinh viên, cha mẹ học sinh về dinh dưỡng hợp lý, tăng cường hoạt động thể lực đã được nâng lên. Từ trường học, thói quen thực hành dinh dưỡng hợp lý và tăng cường các hoạt động thể lực đã lan tỏa tới các cộng đồng và toàn xã hội, giúp người dân có thái độ đúng đắn trong việc thực hành bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường các hoạt động thể lực để nâng cao sức khỏe, dự phòng các bệnh không lây nhiễm.

Bên cạnh đó, một trong những giải pháp quan trọng để triển khai thành công Đề án là phải huy động được nguồn kinh phí xã hội hóa với sự đồng hành của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong đó có tập đoàn TH true Milk. Hiện nay, Tập đoàn TH đang tập trung hỗ trợ dự án xây dựng mô hình điểm tại các vùng, miền về thực hiện chế độ bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực nhằm triển khai xây dựng bữa ăn học đường, đồng thời giúp nâng cao kiến thức về dinh dưỡng cho mọi đối tượng từ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, cha mẹ học sinh và thay đổi thói quen thực hành ăn uống lành mạnh của trẻ.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Chế độ dinh dưỡng cho trẻ em, học sinh đóng vai trò rất quan trọng đến sự phát triển thể chất, trí não của trẻ. Những trẻ thấp bé còi hoặc nhiều dinh dưỡng quá cũng gây nên bệnh tật. Ngoài dinh dưỡng, học sinh, sinh viên cần phải được rèn luyện thể chất nhiều hơn nữa. Hiện nay, thể thao trong nhà trường đã có nhưng chưa thực chất. Để bảo đảm sức khỏe, trước hết đội ngũ giáo viên, học sinh, sinh viên cần nâng cao nhận thức và thống nhất hành động. Bộ trưởng cho biết, mặc dù dinh dưỡng đối với con người là giống nhau nhưng điều kiện về thổ nhưỡng, văn hoá cơ địa khác nhau, đặc biệt điều kiện kinh tế khác nhau cho nên mô hình dinh dưỡng hợp lý và rèn luyện phải có sự điều chỉnh. Do đó, cần tổng kết từ thực tiễn, từ những mô hình thành công sẽ nhân rộng. Bên cạnh đó, tới đây, chương trình giáo dục phổ thông mới triển khai sẽ nhấn mạnh đến giáo dục toàn diện đức – trí – thể – mỹ, trong đó đặc biệt quan tâm đến thể lực, sức khỏe.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã thảo luận các vấn đề liên quan đến truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng, vấn đề chuyên môn về bữa ăn hợp lý được lồng ghép thế nào vào trong chương trình giáo dục phổ thông mới, xây dựng mô hình điểm ở các vùng miền khác nhau…

Theo Nhandan