Thứ sáu,  05/07/2024

Công Sơn: Nhọc nhằn con đường đi tìm chữ

LSO-Để tới được trường Phổ thông cơ sở Công Sơn - ngôi trường nằm trên rẻo cao của huyện Cao Lộc- Tỉnh Lạng Sơn, chúng tôi phải đi qua con đường núi khúc khuỷu, khi thì gặp những con dốc vút lên, khi lại lượn vòng xuống, gian nan và đầy bụi bặm. Xa xôi là thế, ấy vậy mà ngày nào cậu bé Dương Phúc Tình thôn Thán Dìu (Công Sơn - Cao Lộc) và rất nhiều bạn của em vẫn lặn lội băng núi, đi bộ gần 20km, từ trong bản xa xôi để ra tới trường, mong được học cái chữ.Từ ước mơ học cái chữ…Cậu bé Dương Phúc Tình năm nay 9 tuổi, em đang là học sinh lớp 4 của trường PTCS Công Sơn. Ba năm học từ lớp 1 tới lớp 3, em được học tại điểm trường được dựng ngay tại thôn dành cho những em học sinh mới vào tiểu học, gần nhà để tiện tới trường. Nhưng kể từ khi bước vào năm học mới, năm lớp 4 trở lên, em và các bạn trong thôn cũng như nhiều thôn khác trong xã Công Sơn được chuyển tới trường chính để...

LSO-Để tới được trường Phổ thông cơ sở Công Sơn – ngôi trường nằm trên rẻo cao của huyện Cao Lộc- Tỉnh Lạng Sơn, chúng tôi phải đi qua con đường núi khúc khuỷu, khi thì gặp những con dốc vút lên, khi lại lượn vòng xuống, gian nan và đầy bụi bặm. Xa xôi là thế, ấy vậy mà ngày nào cậu bé Dương Phúc Tình thôn Thán Dìu (Công Sơn – Cao Lộc) và rất nhiều bạn của em vẫn lặn lội băng núi, đi bộ gần 20km, từ trong bản xa xôi để ra tới trường, mong được học cái chữ.
Từ ước mơ học cái chữ…
Cậu bé Dương Phúc Tình năm nay 9 tuổi, em đang là học sinh lớp 4 của trường PTCS Công Sơn. Ba năm học từ lớp 1 tới lớp 3, em được học tại điểm trường được dựng ngay tại thôn dành cho những em học sinh mới vào tiểu học, gần nhà để tiện tới trường. Nhưng kể từ khi bước vào năm học mới, năm lớp 4 trở lên, em và các bạn trong thôn cũng như nhiều thôn khác trong xã Công Sơn được chuyển tới trường chính để học. Nhà Dương Phúc Tình nằm tít trên rẻo cao của thôn Thán Dìu – là thôn xa nhất của xã Công Sơn, nên con đường tới trường của em cũng thêm nhiều phần vất vả. Mỗi ngày, em phải vượt quãng đường dài 18km tới trường chính. Đường xa, gió bụi nên vào những hôm trời mưa, khi tới được trường thì cũng là lúc mặt mũi, quần áo lấm lem. Nhìn cậu bé nhỏ nhắn, gầy gò, đen nhẻm vì nắng gió, chúng tôi hỏi: “Đi học xa thế em có ngại không?”. “Cũng mệt nhưng đi nhiều thành quen, hôm nào không đến trường thì nhớ các bạn. Không đi học thì không được về xuôi học đại học mà.”- Em cười, hồn nhiên đùa cùng các bạn đang khép nép nhìn phóng viên hỏi chuyện, có vẻ như thấy lạ lùng và ngại ngùng lắm. Giống như Dương Phúc Tình, cô bé Dương A Múi, học sinh lớp 4, trường PTCS Công Sơn, cũng trải qua một chặng đường gian nan tới trường. Nhà A Múi còn nghèo, bố mẹ sớm tối đi làm nương, trồng ngô, trồng sắn. Gia đình lại đông anh chị em, lại là con gái nên cô bé thường xuyên phải nấu cơm giúp bố mẹ ngay cả khi đi học về, khi trời đã tối. Vậy mà khi được hỏi, em trả lời rất thích đi học.
Khu nội trú được xây mới khang trang
Xã Công Sơn hiện vẫn còn hàng trăm hộ nghèo, việc thực hiện và duy trì chương trình dạy và học trong thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn. Với những thôn ở xa như Thán Dìu, để tới được trường học, các em phải đi bộ gần 3 giờ đồng hồ. Xa xôi là vậy, nhưng hầu như ít khi các thầy cô giáo trong trường thấy các em vắng mặt. Thầy hiệu trưởng Hoàng Mạnh Tuynh cho biết: “ Vì điều kiện trường ở vùng xa nên còn nhiều khó khăn, để các em “thích” tới trường là điều không dễ dàng. Nhiều em vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, nản lòng nên đã bỏ học. Tính tới thời điểm này, trường đã có 4 em bỏ học giữa chừng, hiện các thầy cô đang phải đến để vận động các em đi học lại”.
… “Nội trú dân nuôi” – chắp cánh cho ước mơ!
Trò chuyện với thầy hiệu trưởng trường PTCS Công Sơn chúng tôi được biết, vừa qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, trường đã được hỗ trợ xây một dãy nhà nội trú cho học sinh. Và trên hết, các em đến học nội trú còn được hỗ trợ tiền ăn hàng tháng, đây là yếu tố quan trọng để các em có thể theo học trọn vẹn.
Ở nội trú việc học của các em sẽ tốt hơn
Đồng chí Triệu Sáng Suẩn – Bí thư Đảng Uỷ xã Công Sơn cho biết: “ 100% học sinh trong trường PTCS của xã là con em người dân tộc Dao. Hầu hết đều là con em các gia đình nghèo. Trước đây việc duy trì dạy học cho các em còn gặp rất nhiều khó khăn. Từ khi chương trình “ Nội trú dân nuôi” được tiến hành, chúng tôi đã phối hợp với nhà trường và thấy được hiệu quả rõ rệt của chương trình. Tuy vậy, khi triển khai thực hiện đề án chương trình “Nội trú dân nuôi” bước đầu còn rất nhiều khó khăn, cơ sở vật chất không được như trường nội trú và cũng vì hoàn cảnh gia đình, nên nhiều học sinh, sau khi học xong ở trường PTCS, đã phải nghỉ học. Đây là một thực trạng khiến chúng tôi rất buồn”. Khó khăn là vậy, nhưng trường Công Sơn cũng đã có những “điểm sáng” về thành tích học tập. Năm 2008, trường có 5 em học sinh giỏi bậc tiểu học. Điển hình là cô bé Hà Thuỳ Trang, thôn Nhọt Nặm, học sinh lớp 3, đã 2 năm nay là học sinh giỏi. Còn nhỏ tuổi nhưng khi được hỏi về ước mơ, em nói thích làm bác sỹ để chữa bệnh cho những người dân trong bản mình. Cùng với Trang, các em Hà Thị Hoàng, Trần Thị Thuỳ,…mặc dù gia đình còn nhiều khó khăn, nhưng các em vẫn cố gắng học và đạt được thành tích cao trong nhà trường.
Cha mẹ vẫn thường xuyên đến khu nội trú thăm các em
Lạc quan là vậy, nhưng với số lượng 300 học sinh, thầy Tuynh cũng như không ít các thầy cô giáo nơi đây rất băn khoăn rằng, làm thế nào để chương trình “ Nội trú dân nuôi” đem lại hiệu quả tích cực nhất, để không học sinh nào phải mặc những manh áo rách và chịu cái bụng đói tới trường. Mặc dù đã cố gắng rất nhiều, nhưng hiện tại, với cơ sở vật chất còn nghèo, số lượng phòng ăn nghỉ cho các em học sinh còn hạn chế, chật chội, phần lớn những chiếc giường các em nằm ngủ, đều là do các thầy vì quá thương các em mà đi xin về, sửa lại để các em nằm. Vẫn biết đường tới trường xa lắm, hành trang các em bước vào cuộc sống để thực hiện những ước mơ của mình còn rất nhẹ, do cái nghèo còn đeo đẳng những bản làng vùng biên này, hy vọng rằng cùng với sự dìu dắt của thầy cô, nỗi trở trăn về “con đường tìm chữ” sẽ ngày càng bớt khổ.

Lưu Vũ