Thứ sáu,  05/07/2024

Tai nạn lao động nông nghiệp: Nỗi lo trên mỗi luống cày

LSO-Ngày 15/3/2013, anh Phạm Văn Thạo, 40 tuổi, nông dân xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng đang sửa máy cày trên đồng thì bị nồi hơi của máy nổ tung, một thanh sắt đã đâm xuyên vào xương vùng mặt.

LSO-Ngày 15/3/2013, anh Phạm Văn Thạo, 40 tuổi, nông dân xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng đang sửa máy cày trên đồng thì bị nồi hơi của máy nổ tung, một thanh sắt đã đâm xuyên vào xương vùng mặt. Người nhà phải thuê xe đưa anh về bệnh viện Bắc Giang cứu chữa. Cũng may do cấp cứu kịp thời anh đã qua khỏi nhưng anh vĩnh viễn mất đi 60% sức lao động. Ngành Y tế công bố rằng đã cứu sống một trường hợp hy hữu. Còn các chuyên gia an toàn lao động thì tiếc cho anh Thạo vì nguyên tắc sửa máy phải xả hết hơi, khóa dầu.

Vừa cày vừa sử dụng điện thoại di động dễ xảy ra tai nạn vì mất tập trung

Nguyên nhân gây nên các vụ tai nạn trên đồng hầu hết là do bất cẩn, không tuân theo quy trình an toàn kỹ thuật, không có bảo hộ lao động. Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, hiện việc sử dụng máy móc nông cụ vào sản xuất ngày càng được quan tâm. Riêng khâu làm đất bằng cơ giới toàn tỉnh đã chiếm gần 50% tổng diện tích gieo trồng. Các khâu trong sản xuất nông nghiệp được cơ giới hóa đã rút ngắn khung thời vụ, thích ứng với các loại cây trồng mới nên người dân rất quan tâm mua sắm máy nông cụ. Cho đến hết năm 2012, toàn tỉnh có trên 41.000 máy cơ giới nông nghiệp với công suất đạt 270.000 mã lực. Nhiều thôn xã đã đạt gần 60% hộ có máy cày tay như ở xã Hữu Khánh, Yên Khoái (Lộc Bình), Hữu Vĩnh (Bắc Sơn), Đại Đồng (Tràng Định). Thế nhưng máy cày tay càng phát triển bao nhiêu thì số vụ tai nạn lao động trên đồng càng có nguy cơ gia tăng bấy nhiêu. Theo thống kê từ các Trung tâm y tế huyện, Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện đa khoa Trung tâm, mỗi năm trung bình có gần 100 ca cấp cứu tai nạn liên quan đến máy nông nghiệp, trong đó chiếm phần lớn là do máy cày tay. Đấy là con số người bị nạn đến cơ sở y tế, còn khi bị tai nạn nhẹ họ tự giải quyết thì chưa thể thống kê.

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Mạnh, Trưởng thôn Hồng Phong, xã Chiến Thắng tâm sự, việc sử dụng máy đa phần do nông dân truyền kinh nghiệm cho nhau, trong đó chưa đề cập đến an toàn lao động. Đúng như tâm sự của anh Mạnh, hầu hết nông dân chưa được đào tạo qua các lớp an toàn lao động, vì vậy họ làm theo thói quen, không lường được nguy hiểm xảy ra. Trong khi đó sử dụng máy nông cụ trên đồng yêu cầu về an toàn kỹ thuật không khác gì xe cơ giới đường bộ. Chúng tôi đã khảo sát khá nhiều điểm nông dân sử dụng máy cày tay. Hầu hết họ không có thiết bị bảo hộ lao động từ quần áo đến các phương tiện an toàn. Khi ngừng nghỉ, lắp máy đều không đúng quy trình nên rất dễ phát sinh tai nạn.

Một vụ tai nạn do công nông gây ra tại Bằng Khánh (Lộc Bình)

Có mặt trên cánh đồng xã Hải Yến, chúng tôi chứng kiến không ít nông dân vừa cày vừa sử dụng điện thoại di động. Cũng không ít người khi tháo máy không có giá đỡ, không đúng quy trình và tháo lắp hoàn toàn bằng tay. Trò chuyện chúng tôi được biết họ cũng làm theo thói quen. Khi tìm hiểu tại xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, đây là một xã có tỷ lệ máy cày tay cao trong huyện. Anh Phạm Văn Sơn, một nông dân trú tại thôn Ga cho biết, anh bị tai nạn cách đây 2 năm. Số là khi lắp bánh phay, do không có cây chống, anh xếp mấy hòn đất cứng làm đế, khi chưa lắp xong thì đất sập khung phay nghiến vào chân làm anh phải điều trị hàng tuần. Rồi anh thống kê riêng xã anh đã có hàng chục vụ tai nạn tương tự, vụ làm đất nào cũng có tai nạn máy nông nghiệp.

Để sản xuất an toàn, đã đến lúc phải trang bị kiến thức an toàn lao động cho nông dân. Việc này chắc không khó bởi chúng ta có một hệ thống khuyến nông viên, Ban chỉ đạo sản xuất từ tỉnh đến cơ sở, các cơ sở dạy nghề…Như vậy mỗi bộ phận cần phát huy chức năng của mình để tai nạn không còn là nỗi lo trên mỗi luống cày của nông dân.

 

NGUYỄN ĐÔNG BẮC