Thứ sáu,  20/09/2024

Điểm tựa cho người mắc lao

LSO-Phần lớn người mắc bệnh lao có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, vì thế, những chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và các tổ chức xã hội như: Chương trình chống lao Quốc gia, quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT)… có ý nghĩa hết sức quan trọng, thực sự là điểm tựa về tài chính bền vững để người mắc lao điều trị bệnh.


Cán bộ y tế Bệnh viện Phổi Lạng Sơn sử dụng thuốc, vật tư, dụng cụ
điều trị từ Chương trình chống lao Quốc gia

Hỗ trợ 100% thuốc và vật tư y tế

Phát hiện bệnh lao từ tháng 5/2018, anh Vy Xuân Bảo (xã Văn An, huyện Văn Quan) thường xuyên phải điều trị tại các cơ sở y tế. Vợ anh mất sớm, một mình nuôi con nhỏ với mức thu nhập không ổn định, nay mắc thêm bệnh, khả năng lao động suy giảm, cuộc sống của gia đình anh Bảo càng thêm khó khăn.

Được hỗ trợ 100% thuốc lao, vật tư y tế điều trị từ Chương trình chống lao Quốc gia, gánh nặng kinh tế của gia đình anh cũng giảm đi rất nhiều. Anh Bảo chia sẻ: Đây là đợt thứ hai tôi điều trị lao tại các cơ sở y tế, từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Phổi Trung ương đến Bệnh viện Phổi Lạng Sơn. Mỗi đợt điều trị mất 2 tháng. May mắn được hỗ trợ tiền thuốc, vật tư y tế nên tôi chỉ phải chi trả chi phí đi lại và ăn uống.

Không riêng anh Bảo mà hơn 300 người mắc bệnh lao trên địa bàn toàn tỉnh đều được hưởng hỗ trợ từ Chương trình chống lao Quốc gia. Theo số liệu thống kê, từ năm 2018 đến nay, bệnh nhân lao trên địa bàn tỉnh được Chương trình chống lao Quốc gia hỗ trợ thuốc và vật tư y tế với tổng số tiền trị giá gần 1,9 tỷ đồng; trong đó, thuốc lao trị giá 1 tỷ 670 triệu đồng; vật tư, công cụ, dụng cụ trị giá gần 200 triệu đồng.


Cán bộ y tế Bệnh viện Phổi Lạng Sơn chăm sóc bệnh nhân lao

Bình quân chi hơn 10 tỷ đồng/năm từ quỹ BHYT

Cùng Chương trình chống lao Quốc gia, BHYT thực sự đã trở thành điểm tựa thứ hai, quan trọng không kém đối với người mắc bệnh lao. Theo quy định, Chương trình chống lao Quốc gia chỉ hỗ trợ thuốc lao và vật tư y tế cho bệnh nhân. Còn các loại thuốc và các dịch vụ kỹ thuật khác phải sử dụng trong quá trình điều trị, người mắc lao phải tự chi trả.

Qua tìm hiểu, người mắc bệnh lao phải điều trị theo đợt 6 tháng, 12 tháng và 20 tháng tùy thuộc mức độ bệnh. Bình quân mỗi đợt điều trị, bệnh nhân lao phải chi trả thêm từ 10 đến 20 triệu đồng tiền thuốc và các dịch vụ kỹ thuật khác. Con số này cho thấy việc điều trị bệnh lao sẽ trở nên hết sức gian nan đối với những bệnh nhân không tham gia BHYT. Vì đó là khoản chi phí không nhỏ đối với thu nhập của những gia đình bình thường, chưa kể đối với hộ gia đình có người mắc bệnh, khả năng lao động suy giảm.

Bà Phạm Thị Lành (73 tuổi, ở thành phố Lạng Sơn) đang điều trị tại Bệnh viện Phổi Lạng Sơn cho biết: Tôi tuổi cao, không có lương hưu, may mắn được các con mua cho BHYT tự nguyện nên việc điều trị bệnh lao đỡ nhọc hơn rất nhiều. Gia đình chỉ lo tiền đi lại, ăn uống và chi trả 20% chi phí ngoài BHYT.

Theo số liệu thống kê của Bảo hiểm xã hội tỉnh, bình quân mỗi năm Quỹ BHYT chi trả hơn 10 tỷ đồng cho các bệnh nhân lao trên địa bàn. Trong năm 2018, quỹ BHYT đã chi trả chi phí điều trị cho 2.647 lượt người với số tiền hơn 11 tỷ đồng. Sự hỗ trợ này đã  giúp người mắc bệnh lao có nền tảng tài chính vững chắc để chống chọi, đẩy lùi bệnh lao.

Ngoài sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, các cơ sở y tế trên địa bàn cũng triển khai nhiều biện pháp thiết thực để hỗ trợ người mắc bệnh lao. Điển hình như: Bệnh viện Phổi Lạng Sơn từ năm 2018 đến nay đã xây dựng hòm quỹ từ thiện, vận động cán bộ, y, bác sĩ đóng góp, hỗ trợ gần 17 triệu đồng chi phí điều trị, tiền ăn cho bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Bà Ma Thị Thơm, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Lạng Sơn cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh có 90% người mắc bệnh lao có thẻ BHYT. Do đó, việc điều trị bệnh cũng đỡ đi gánh nặng về tài chính đối với gia đình người bệnh. Trong quá trình điều trị, đơn vị luôn phối hợp, tuyên truyền, vận động người bệnh tham gia BHYT tự nguyện; đồng thời quán triệt cán bộ, y, bác sĩ quan tâm tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của bệnh nhân để vận động cán bộ, y, bác sĩ, kêu gọi các tổ chức từ thiện xã hội, các nhà hảo tâm hỗ trợ kịp thời giúp người bệnh có đủ nguồn lực tài chính để điều trị, cùng chung sức từng bước đẩy lùi bệnh lao.

 NGỌC HIẾU