Thứ sáu,  20/09/2024

Cần chủ động về kinh phí đảm bảo cho hoạt động tiêm chủng

LSO-Ba năm trở lại đây, tỉ lệ tiêm chủng vắc xin trên địa bàn tỉnh đạt kết quả không đồng đều. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do chưa chủ động được nguồn kinh phí chi cho hoạt động tiêm chủng mở rộng (TCMR).


Cán bộ
Trung Tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh tư vấn tiêm chủng đến người dân

Theo chỉ tiêu đặt ra thì tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm đủ 8 loại vắc xin phải đạt tối thiểu là 95%. Từ năm 2016 về trước, trung bình mỗi năm tỷ lệ này của Lạng Sơn luôn đạt 96%. Tuy nhiên từ năm 2017 đến nay kết quả tiêm chủng không đồng đều, ổn định, thậm chí có thời điểm đạt thấp dưới 95%. Cụ thể năm 2017, toàn tỉnh mới đạt 93,1%; năm 2018 lại tăng lên 97%. Trong 5 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh mới có 2.681 trẻ được tiêm đủ 8 loại vắc xin, đạt 18,5% so với số trẻ cần tiêm của cả năm, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái gần 13%.

Một số huyện có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất là Bình Gia, Hữu Lũng, Cao Lộc, Lộc Bình, Tràng Định, Đình Lập chỉ dao động từ 11% đến 16%.

Ông Dương Anh Dũng, Trưởng Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Bên cạnh yếu tố về thiếu nguồn vắc xin, tâm lý lo ngại khi đưa trẻ đi tiêm chủng của người dân thì việc chưa chủ động được nguồn kinh phí cũng là một nguyên nhân ảnh hưởng đến hoạt động làm cho tỷ lệ TCMR đạt thấp.

Hằng năm, nguồn kinh phí của tỉnh hỗ trợ chi hoạt động TCMR khoảng từ 1 đến 1,2 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này do ngân sách tỉnh cấp được sử dụng chi hỗ trợ công tiêm cho cán bộ y tế làm công tác tiêm chủng, tập huấn, giám sát và truyền thông về TCMR.

Mặc dù không nhiều nhưng nếu không có hoặc kinh phí bị cấp chậm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động TCMR. Qua tìm hiểu được biết trong năm 2017 đến tháng 12 của năm nguồn kinh phí 1,2 tỷ đồng cho hoạt động TCMR mới được tỉnh cấp và đầu năm 2018 mới giải ngân nên các hoạt động tập huấn, giám sát, truyền thông cũng bị cầm chừng. Vì cấp chậm có  2/11 huyện, thành phố không chi trả được tiền hỗ trợ công tiêm cho cán bộ y tế.


Cán bộ y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh tiêm vắc xin cho trẻ dưới 1 tuổi

Trong năm 2018 thì kinh phí chi cho hoạt động TCMR được cấp kịp thời từ đầu năm nên các hoạt động tập huấn, giám sát, truyền thông và hỗ trợ công tiêm được triển khai thực hiện kịp thời, đúng tiến độ, kế hoạch đề ra góp phần thực hiện tốt công tác tiêm chủng nên tỷ lệ tiêm chủng đủ 8 loại vắc xin cho trẻ của năm đạt tới 97%.

Năm 2019, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh dự toán chi các hoạt động TCMR gần 800 triệu đồng, trong đó hỗ trợ công tiêm gần 600 triệu, chi tập huấn và giám sát gần 200 triệu.

Tuy nhiên đến nay đã gần hết nửa đầu năm 2019 nhưng nguồn kinh phí chưa được tỉnh cấp nên các hoạt động TCMR của năm cũng bị ảnh hưởng, một số hoạt khoản chi hỗ trợ công tiêm, giám sát chưa được thực hiện.

Riêng với hoạt động tập huấn cho cán bộ thì chủ yếu chủ yếu sử dụng nguồn chi thường xuyên của đơn vị và ngân sách chi thường xuyên của các huyện, thành phố hoặc tập huấn lồng ghép với các chuyên đề khác. Đến nay, 2 lớp tập huấn về TCMR cho cán bộ y tế tuyến tỉnh chưa được tổ chức chuyên đề riêng mà phải lồng ghép với chuyên đề khác. Tại tuyến huyện có 8/11 đơn vị đã tổ chức nhưng phần đa sử dụng ngân sách địa phương để tổ chức.

Bác sĩ Chu Đình Quế, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cao Lộc cho biết: Hằng năm, kinh phí hỗ trợ cho hoạt động TCMR cấp cho đơn vị không nhiều, trung bình chỉ khoảng 30 – 50 triệu đồng. Tuy nhiên nếu không cấp kịp thời thì các hoạt động cũng không được triển khai đúng tiến độ. Để khắc phục, đơn vị vẫn phải ứng trước kinh phí tổ chức tập huấn, chi giám sát. Riêng tiền hỗ trợ công tiêm thì tương đối nhiều nên phải chờ có kinh phí cấp về mới chi trả được cho cán bộ làm công tác tiêm chủng. Đơn vị cũng đề nghị đội ngũ y tế cấp xã, thôn bản tích cực tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân và đưa trẻ đi tiêm chủng nhằm đạt chỉ tiêu giao.

Theo ông Đào Đình Cường, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Trước thực tế nguồn kinh phí chi cho hoạt động TCMR được cấp không kịp thời như thời gian vừa qua và để việc này không ảnh hưởng đến tiến độ, kết quả tiêm chủng năm 2019 thì các cơ quan, đơn vị liên quan đến hoạt động TCMR cũng không nên phụ thuộc quá nhiều vào nguồn kinh phí được cấp. Thay vào đó là nên có kế hoạch cụ thể trong việc tổ chức các hoạt động TCMR tại đơn vị, địa phương mình; cân đối các nguồn kinh phí một cách hợp lý để bố trí kịp thời, phù hợp cho các hoạt động TCMR. Bên cạnh đó, để chương trình tiêm chủng mở rộng đảm bảo an toàn, đạt chất lượng, yêu cầu đề ra thì các địa phương cũng cần chủ động bố trí nhân lực, trang thiết bị phục vụ tốt công tác tiêm chủng.

MINH ĐỨC - THÙY DUNG