Thứ năm,  19/09/2024

Tránh xa thuốc lá – Bảo vệ lá phổi

LSO-Thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây nên các căn bệnh về phổi. Vì thế, Tổ chức Y tế thế giới đã lựa chọn chủ đề Ngày Thế giới không thuốc lá năm 2019 là “Thuốc lá và các bệnh về phổi”. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều người vẫn “vô tư” hút và chỉ bỏ được thuốc lá khi bệnh ngày càng nghiêm trọng hơn.


Bác sĩ Bệnh viện Phổi Lạng Sơn tư vấn phương pháp điều trị
cho bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính

Không bỏ thuốc – Không đỡ bệnh

Tháng 2/2018, ông Lê Trọng Tài (56 tuổi, ở thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan) ho nhiều, khó thở phải đến Bệnh viện Phổi Lạng Sơn điều trị. Các bác sĩ chẩn đoán ông có nguy cơ bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và khuyến cáo bỏ hút thuốc lá. Thế nhưng khi về nhà, ông vẫn tiếp tục hút thuốc. Tháng 11/2018, ông phải nhập viện lần hai vì bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Ông Tài chia sẻ: Trước đây, tôi hút thuốc nhiều và không bỏ được. Đến cuối năm 2018, bác sĩ kết luận bị phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh ngày càng nặng nên tôi quyết tâm bỏ thuốc lá dứt điểm. Từ khi bỏ thuốc đến nay, tôi cảm thấy dễ thở hơn, không ho nữa, bệnh giảm nhiều.

Cũng như ông Tài, ông Hoàng Văn Trọng (53 tuổi, ở xã Hoàng Việt, huyện Văn Lãng) từ bỏ thói quen hút thuốc lá khi phát hiện bệnh viêm phổi tắc nghẽn mãn tính. Nhờ phát hiện sớm, bỏ thuốc và điều trị kịp thời, đến nay hơn 10 năm, bệnh của ông Trọng vẫn giữ được ổn định ở giai đoạn I. Ông Trọng cho biết: Tôi bị ho nhiều, mua thuốc uống mãi không khỏi. Ho nhiều mệt, sức khỏe kém, tôi quyết tâm từ bỏ thuốc lá. Giờ bệnh đã khá hơn nhiều, được điều trị ngoại trú, không phải nằm viện.

Hai ông chỉ là số ít trong rất nhiều trường hợp “phải” bỏ hút thuốc lá để điều trị bệnh. Theo thống kê của Bệnh viện Phổi Lạng Sơn, bình quân mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận và điều trị khoảng 840 lượt bệnh nhân mắc các bệnh về phổi (viêm phổi, sơ phổi, nấm phổi, viêm phổi mãn tính, giãn phế quản…) có tiền sử hút thuốc lá. Trong đó, 90% bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính có nguyên nhân do hút thuốc lá.


Bác sĩ Bệnh viện Phổi Lạng Sơn chăm sóc sức khỏe bệnh nhân

Chủ động tránh xa thuốc lá

Thực tế cho thấy, thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây nên các bệnh về phổi như: giãn phế quản, viêm phổi, sơ phổi, nấm phổi, phổi tắc nghẽn mãn tính, thậm chí là ung thư phổi. Tính chung trên thế giới, sử dụng thuốc lá gây ra 90% các ca ung thư phổi và các ca bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

Với các thành phần độc tính trong khói thuốc, sử dụng thuốc lá còn là nguyên nhân gây ra hơn 25 căn bệnh khác như: ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư khoang miệng, ung thư da, các bệnh tim mạch và các bệnh về hô hấp…

Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người hút thuốc, người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc (hút thuốc lá thụ động) cũng mắc các bệnh giống như người hút thuốc. Những người hút thuốc lá thụ động bao gồm: con cái, vợ (chồng) của người hút thuốc, sống trong cùng nhà với người hút thuốc hoặc người làm việc trong môi trường có khói thuốc. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường xuyên hít phải khói thuốc sẽ làm tăng tỷ lệ viêm đường hô hấp dưới (như viêm phế quản, viêm phổi) và viêm tai giữa; làm tăng các triệu chứng của đường hô hấp mãn tính; làm giảm sự phát triển của phổi và tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh.

Bác sĩ Phương Văn Hưởng, Phó Trưởng Khoa Bệnh Phổi, Bệnh viện Phổi Lạng Sơn khuyến cáo: Những người đang hút thuốc lá nên quyết tâm bỏ thuốc để bảo vệ sức khỏe cho bản thân mình và những người xung quanh, phòng ngừa các bệnh về phổi, tim mạch. Đối với người chưa bỏ được thuốc thì nên tập thói quen hút thuốc xa nơi đông người, tránh ảnh hưởng đến những người xung quanh.

Hưởng ứng ngày Thế giới không thuốc lá (31/5/2019), Ban Chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá tỉnh đã ban hành kế hoạch, chỉ đạo các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức các hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá nhằm tăng cường nhận thức về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe, từ các bệnh ung thư đến các bệnh hô hấp mãn tính và vai trò quan trọng của lá phổi khỏe mạnh đối với sức khỏe con người.
MINH NGỌC