Thứ sáu,  20/09/2024
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC):

Kiểm soát tốt, phòng chống hiệu quả

LSO- Trong 6  tháng đầu năm 2019, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước. Bằng sự chủ động về nhân lực, vật tư y tế và sự sáng tạo trong cách thực hiện, trung tâm đã hoàn thành tốt nhiệm vụ kiểm soát, ngăn chặn, giảm thiểu tác hại của dịch bệnh.


Cán bộ y tế xã Bằng Khánh (Lộc Bình) tư vấn cho bệnh nhân tăng huyết áp

Tăng cường phòng chống dịch

Trong 6 tháng đầu năm 2019, trên phạm vi cả nước các dịch bệnh lây nhiễm phát triển mạnh, như bệnh sởi ở các tỉnh, thành phố phía Bắc và và sốt xuất huyết ở các tỉnh phía Nam. Đây cũng là thời gian của những ngày nắng nóng, học sinh nghỉ hè, người dân đi thăm thân, du lịch và giao lưu giữa các vùng miền, vì vậy nguy cơ lây lan là rất cao. Mặt khác, trên địa bàn tỉnh, một số dịch bệnh cũng tăng cao so với cùng kỳ năm 2018, như: bệnh tiêu chảy có 1.252 ca mắc (tăng 19 ca), thủy  đậu 271 ca (tăng 62 ca), lỵ Amip 17 ca (tăng 6 ca), ho gà 5 ca (tăng 4 ca). Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh đã có 48 ca mắc, nghi sởi (tăng 47 ca) và phát hiện 2 trường hợp sốt xuất huyết.

Trước tình hình đó, Trung tâm CDC tăng cường tuyên truyền trong nhân dân, nhất là các khu dân cư; phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo truyên truyền và kiểm tra công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh trong trường học. Bên cạnh đó, trung tâm chỉ đạo tốt công tiêm phòng cho các đối tượng; tập kết sẵn sàng vật tư hóa chất và các phương tiện y tế cho công tác phòng chống dịch, tập huấn đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở trong công tác phòng chống dịch bệnh. Kết quả, hầu hết các ca bệnh nguy hiểm đều được chữa khỏi, không để lây lan thành dịch, nhất là bệnh sởi, sốt xuất huyết… Trong tình trạng thiếu vacxin tiêm  chủng, trung tâm đã chủ động nắm bắt, chuẩn bị và điều phối vacxin giữa các điểm tiêm chủng, nên tỷ lệ tiêm chủng đạt khá. Đến nay, tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm đủ 8 mũi vacxin đạt trên 50%, tỷ lệ phụ nữ có thai  được tiêm đủ mũi AT+ đạt 75,33% và đã có 60,69% trẻ được tiêm vacxin viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh; đảm bảo an toàn tiêm chủng.

Hoạt động điều trị các bệnh không lây nhiễm phổ biến

Bệnh tim mạch, đái tháo đường là 2 trong 4 loại bệnh nguy hiểm có số lượng người mắc lớn.  Do việc điều trị lâu dài và có tỷ lệ tử vong cao, các bệnh này không những ảnh hưởng đến chất lượng sống và kinh tế của các gia đình, mà còn là gánh nặng đối với ngành y tế nói chung và là một trong những nguyên nhân quá tải các bệnh viện.

Trong hơn 2 năm qua, cùng với việc nâng cao năng lực y tế xã  việc chuyển bệnh nhân các bệnh không lây nhiễm phổ biến về điều trị ngoại trú tại trạm y tế xã đã và đang mang lại thành công. Tính đến cuối tháng 7/2019, toàn tỉnh  có 207/226 trạm y tế xã có bệnh nhân điều trị tăng huyết áp; trong 13.755 bệnh nhân tăng huyết áp đang được quản lý, cấp thuốc điều trị hằng tháng, thì tuyến tỉnh chỉ có 1.447 bệnh nhân (chiếm 10,5%), tuyến huyện có 3.010 bệnh nhân (chiếm 21,8%), và có tới 9.298 bệnh nhân đang điều trị tại tuyến xã (chiếm tỷ lệ 67,6%). Tỷ lệ bệnh nhân đạt huyết áp mục tiêu tại tuyến xã là khá cao (89%).  Hiện nay, toàn tỉnh cũng đã có 158 xã điều trị bệnh nhân đái tháo đường (tỷ lệ 70%). Trong 4.191 bệnh nhân đái tháo đường đang được quản lý cấp thuốc điều trị hằng tháng, có 674 người điều trị tại tuyến xã. Tỷ lệ bệnh nhân kiểm soát được đường huyết đạt 56,7% (tuyến xã đạt trên 70%). Tuy nhiên, với trang thiết bị y tế, nhất là thiết bị chuyên khoa ở tuyến xã còn thiếu, chất lượng cán bộ còn yếu, nên tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường về điều trị tại xã còn thấp; tuyến xã chưa có khả năng khám sáng lọc, phát hiện bệnh nhân.

Thạc sĩ Đào Đình Cường, Giám đốc Trung tâm CDC cho biết: Trong bối cảnh dịch bệnh trên thế giới và toàn quốc diễn biến phức tạp, nhưng Lạng Sơn vẫn được đảm bảo về an ninh y tế, đó là sự nỗ lực lớn  của toàn hệ thống chính trị, của người dân và ngành y tế. Tuy vậy, người dân vẫn phải nâng cao nhận thức trong công tác phòng chống dịch bệnh, không chủ quan để xảy ra sự việc đáng tiếc như: bị chó cắn mà không đi tiêm phòng dại, dẫn đến tử vong trường hợp tại xã Quốc Việt, huyện Tràng Định; hoặc trường  hợp 1 trẻ em ở xã Tân Lập (Hữu Lũng) tử vong do nghi viêm não Nhật Bản.

MINH HỒNG