Thứ sáu,  20/09/2024

Cảnh báo dùng thuốc độc bẫy chuột: Tiềm ẩn nhiều hiểm họa khôn lường

(LSO) – Để  ngăn chuột phá hoại mùa màng, sản xuất, nhiều người chọn cách bả độc, tuy nhiên, dùng thuốc độc bẫy chuột tồn tại nhiều mối nguy hiểm khôn lường đến súc vật nuôi trong gia đình cũng như tính mạng của con người…

Gia đình ông Lục Văn Được, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn sản xuất kinh doanh rượu, kho rượu rộng, nhiều khe rãnh là chỗ trú nấp của loài chuột. Trước đây, gia đình ông  nuôi mèo để bắt chuột nhưng không thể hạn chế được sự phá hoại của chuột. Trong hơn một năm trở lại đây, ông Được quyết định dùng thuốc độc để bẫy chuột.

Ông Lục Văn Được cho biết: Chỉ với mấy chục nghìn đồng có thể bẫy chết nhiều chuột, tuy nhiên cũng kéo theo nhiều rủi ro từ việc dùng bả độc bẫy chuột. Như gia đình tôi và hàng xóm đều có trẻ con nên phải cất thật kỹ để xa tầm tay của các cháu. Gia đình tôi trước đây có 5 – 6 con mèo và chó nhưng từ khi dùng bả độc bẫy chuột không chỉ có chuột chết mà chó, mèo cũng đã chết theo do ăn trúng phải bả độc.

Người dân thành phố Lạng Sơn mua thuốc độc bẫy chuột tại chợ Giếng Vuông, thành phố Lạng Sơn

Tương tự, gia đình bà Hoàng Thị Tâm, xã Yên Phúc, huyện Văn Quan cũng dùng bả độc để bẫy chuột từ nhiều năm nay. Theo bà Tâm, bả độc dễ mua ở chợ, đem về chỉ việc trộn lẫn với thức ăn để ở những chỗ khe, rãnh nhỏ hoặc trên mái nhà bẫy chuột. Tuy nhiên, sau khi chuột ăn trúng bả chưa chết luôn mà bò ra vườn, sân nhà mới chết. Do vậy, chó hoặc mèo ăn phải những con chuột đó cũng chết theo.

Theo khảo sát của phóng viên, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, không chỉ ở thành phố mà người dân ở các xã vùng sâu, vùng cao cũng diệt chuột bằng thuốc độc. Bởi thuốc độc bả chuột vẫn đang được bán trôi nổi hoặc bày bán công khai tại các điểm chợ, hàng tạp hóa.

Trong vai người dân cần mua thuốc độc bẫy chuột, chúng tôi dạo quanh một vòng tại các quầy hàng tạp hóa ở chợ Giếng Vuông, chợ Bờ Sông và các điểm chợ cóc trên địa bàn thành phố Lạng Sơn. Tại những nơi này có thể dễ dàng mua thuốc độc diệt chuột. Bà P.T.T, bán hàng tạp hóa tại khu chợ Giếng Vuông giới thiệu cho chúng tôi một lúc mấy loại thuốc diệt chuột. Có loại hóa chất trong thuốc làm xuất huyết ở mắt nên chuột tìm đến khu vực sáng rồi chết, nhờ vậy, chủ nhà dễ tìm được xác chuột chết. Cũng có loại dung dịch màu hồng như dạng thuốc bổ siro cho trẻ con uống hay hình dạng viên kẹo ngọt màu hồng. Theo lời bà P.T.T, đa số người dân đến mua thuốc đều chọn loại thuốc dạng viên kẹo hoặc dung dịch về trộn với thức ăn để bẫy chuột ở góc bếp hay trên mái nhà.

Hầu hết các loại thuốc diệt chuột đều có màu sắc bắt mắt dễ nhầm lẫn với kẹo, thuốc bổ nên rất nguy hiểm đối với con người, nhất là trẻ em. Đơn cử, vụ việc của hai cháu nhỏ ở thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang xảy ra trong tháng 4/2020 vừa qua. Thấy lọ thuốc diệt chuột màu đỏ, giống ống thuốc bổ, hai cháu đã chia nhau uống dẫn đến một cháu thiệt mạng, một cháu đang cấp cứu tại bệnh viện Hà Nội. Theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bình quân hằng năm, bệnh viện tiếp nhận từ 5 đến 10 trường hợp bị uống nhầm thuốc độc bả chuột.

Bác sỹ Nguyễn Thành Đô, Khoa hồi sức – Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Các trường hợp bị ngộ độc thuốc bả chuột có các triệu chứng rát miệng, kích ứng da, buồn nôn, nôn ra dịch, suy hô hấp và dẫn đến co giật. Người thân không được tự ý gây nôn cho bệnh nhân, khi phát hiện kịp thời đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế. Đồng thời, mang theo vỏ thuốc diệt chuột để bác sỹ biết rõ loại thuốc độc để xử lý kịp thời, hiệu quả.

Thuốc độc bả chuột là sản phẩm bị cấm sử dụng từ nhiều năm nay, tuy nhiên, hiện nay, trên thị trường tại các huyện, thành phố vẫn được bán trôi nổi. Hằng năm, Cục Quản lý thị trường tỉnh thường xuyên kiểm tra tại các khu chợ, cửa hàng tạp hóa và xử lý các hành vi bán sản phẩm trong danh mục cấm. Tuy nhiên, riêng về thuốc độc bả chuột là sản phẩm có thể tích nhỏ, người bán không bày  tại các gian hàng mà thường cất giấu kỹ. Khi có khách hỏi mua mới đem ra bán. Cùng với đó, các cơ quan chức năng, hội, đoàn thể cũng đã phối hợp tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc sử dụng các sản phẩm chứa hóa chất độc hại thuộc danh mục cấm sử dụng nhằm bảo vệ sức khỏe con người, môi trường và hệ sinh thái. Tuy nhiên, hiện nay, việc buôn, bán thuốc độc bả chuột và thực trạng người dân sử dụng thuốc độc bả chuột vẫn còn phổ biến trên địa bàn toàn tỉnh. Thiết nghĩ, trong thời gian tới, các cấp, ngành, cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, phát hiện, đồng thời kiên quyết xử lý  việc mua bán thuốc độc bả chuột nhằm phòng ngừa những nguy cơ tiềm ẩn, hậu quả đáng tiếc.

HẢI ĐĂNG