Thứ sáu,  20/09/2024

Bảo tồn, phát huy các bài thuốc y học cổ truyền

(LSO) – Những năm qua, Hội Đông y (HĐY) tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện nhiều biện pháp để kế thừa, bảo tồn, phát huy những bài thuốc y học cổ truyền (YHCT) của các ông lang, bà mế trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần giữ gìn, phát triển tinh hoa y học dân tộc và phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1.700 ông lang, bà mế, lương y với hàng trăm bài thuốc quý, tạo nên vốn YHCT dân gian phong phú, đa dạng và đang phát huy giá trị trong đời sống. Tuy nhiên, những bài thuốc này đang có nguy cơ bị thất truyền do thiếu lớp người kế cận. Do đó, nhiệm vụ kế thừa, phát huy các bài thuốc cổ truyền luôn được HĐY tỉnh quan tâm, chú trọng.

Bệnh nhân điều trị tại Trung tâm Thừa kế, Ứng dụng Đông y tỉnh

Ông Trần Văn Tuyến, Chủ tịch HĐY tỉnh cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 4/7/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát triển nền đông y Việt Nam và HĐY Việt Nam trong tình hình mới, thời gian qua, để kế thừa, bảo tồn, phát huy, phát triển các bài thuốc quí, HĐY tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp. Cụ thể như: quan tâm xây dựng tổ chức hội, phát triển hội viên; tổ chức các chương trình tập huấn,  hội thảo, hội nghị tâm đắc… tuyên truyền về các bài thuốc hay, cây thuốc quý cho hội viên, tuyên truyền hội viên gìn giữ, truyền dạy các bài thuốc; quan tâm phát triển Trung tâm Thừa kế, Ứng dụng Đông y tỉnh và các phòng chẩn trị; chỉ đạo HĐY các huyện, thành phố phối hợp với trạm y tế triển khai khám chữa bệnh bằng đông y tại các trạm; quan tâm trồng cây dược liệu, phát triển các vườn thuốc nam… Qua đó, đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Hiện tại, toàn tỉnh có gần 3.000 hội viên sinh hoạt tại 15 hội, chi hội đông y của các huyện, thành phố, các công ty, trung tâm, hợp tác xã. Từ đầu năm 2020 đến nay, hội đã kết nạp gần 70 hội viên. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hội vẫn tổ chức được 9 lớp tập huấn với gần 400 hội viên tham gia. Toàn tỉnh hiện có 24 phòng chẩn trị, hơn 330 vườn thuốc nam. Việc phối hợp với trạm y tế tổ chức khám chữa bệnh bước đầu có hiệu quả. Nhiều huyện triển khai tốt như: Văn Quan, Cao Lộc, Bình Gia, Hữu Lũng, Tràng Định.

Đặc biệt, để kế thừa, nghiên cứu, ứng dụng các bài thuốc đông y, năm 2018, HĐY tỉnh đã đưa vào hoạt động Trung tâm Thừa kế, Ứng dụng Đông y tỉnh, trực thuộc HĐY tỉnh. Trung tâm gồm: bộ phận kế thừa, bộ phận chẩn trị YHCT, bộ phận điều dưỡng và phục hồi chức năng bằng YHCT. Với nhiệm vụ sưu tầm, phối hợp với Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật tỉnh nghiên cứu, thẩm định, đưa các bài thuốc quý vào ứng dụng tại các phòng chẩn trị, các cơ sở y tế; tư vấn cho các ông lang, bà mế có bài thuốc đã được thẩm định làm hồ sơ cấp giấy chứng nhận, chứng chỉ hành nghề. Đồng thời, tham mưu cho Sở Y tế cấp giấy chứng nhận, chứng chỉ cho các lương y.

Từ khi thành lập đến nay, trung tâm đã sưu tầm được hơn 300 bài thuốc, phối hợp cấp 35 giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền và chứng chỉ hành nghề cho gần 20 lương y; đã ứng dụng 10 bài thuốc, phương pháp chữa bệnh tại phòng chẩn trị thuộc trung tâm như: bài thuốc bỏng của lương y Quang Điện, thành phố Lạng Sơn; bài thuốc chữa tay – chân – miệng của lương y Lâm Hải Thư tại thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc và bài thuốc chữa viêm họng, viêm thanh quản của lương y Nguyễn Đình Thịnh, thành phố Lạng Sơn…

Bà Hoàng Thị Vân, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn từng nhiều lần đến điều trị tại Trung tâm cho biết: Hai năm nay, tôi bị đau dây thần kinh số 5 và số 7, giật cơ mặt khiến cho vùng mặt của tôi đau nhói, khó chịu. Sau vài lần đến trung tâm châm cứu, bấm huyệt, bệnh tình của tôi đã thuyên giảm.

Ông Trần Văn Tuyến cho biết thêm: Thời gian tới, để tiếp tục bảo tồn và phát huy các bài thuốc quý, ngoài việc tiếp tục duy trì các giải pháp đang thực hiện, chúng tôi sẽ quan tâm phát triển các bài thuốc đông y thành các dạng dễ sử dụng và có hiệu năng cao hơn: như dạng dung dịch đóng chai, gói trà, viên nano, viên nén…

Từ tiềm năng, lợi thế của địa phương về YHCT cùng với sự nỗ lực của HĐY tỉnh, hy vọng trong tương lai sẽ ngày càng có nhiều bài thuốc quí được bảo tồn, ứng dụng rộng rãi trong thực tế góp phần nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.

Thời gian qua, HĐY các cấp trên địa bàn tỉnh đã có những đóng góp tích cực vào công tác khám chữa bệnh cho Nhân dân. Mỗi năm toàn tỉnh, có gần 100.000 lượt bệnh nhân khám chữa bệnh bằng đông y với gần 200.000 thang thuốc. Riêng Phòng Chẩn trị tại Trung tâm Thừa kế, Ứng dụng Đông y tỉnh, mỗi năm, thu hút hơn 1.000 lượt bệnh nhân đến khám, chữa bệnh.
THU DIỄM