Thứ sáu,  20/09/2024
Người bệnh tự khám vượt tuyến:

Vấn đề cần quan tâm

LSO-Theo Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) sửa đổi năm 2014 quy định, nếu người bệnh tự vượt tuyến ở cấp tỉnh/thành hoặc trung ương thì được quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán 40% - 60% chi phí điều trị nội trú. Như vậy, quyền lợi của người bệnh khi vượt tuyến vẫn được đảm bảo nhưng có nhiều điểm cần quan tâm khi người bệnh tự chuyển tuyến.
Chăm sóc người bệnh điều trị nội trú ở Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn

Thực tế cho thấy, khoảng 70% trường hợp bệnh có thể điều trị ở tuyến dưới, không cần thiết vượt tuyến. Nhưng có nhiều người bệnh do mất thẻ BHYT, do ngại làm thủ tục chuyển tuyến hoặc không yên tâm với trình độ chuyên môn của tuyến dưới nên đã tự vượt tuyến khám chữa bệnh (KCB) ở tuyến trên. Khoản 3, Điều 22, Luật BHYT quy định trường hợp người tham gia BHYT tự đi KCB không đúng tuyến được quỹ BHYT thanh toán theo mức hưởng của đối tượng tham gia BHYT theo tỷ lệ: tại bệnh viện tuyến trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú; tại bệnh viện tuyến tỉnh là 60% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi mức hưởng BHYT. Trước đó, khi đi KCB trái tuyến, người bệnh được chi trả ở các mức 30%, 50%, 70% chi phí tương đương với hạng bệnh viện.

Điều trị nội trú ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn hơn 1 tuần, ông Đinh Văn Kết ở xã Tân Liên, huyện Cao Lộc được thanh toán 60% chi phí BHYT là gần 3,8 triệu đồng. Với trường hợp này, giả sử ông Kết có giấy chuyển viện thì sẽ được quỹ BHYT thanh toán số tiền gần 9,4 triệu đồng. Nhưng vì tự vượt tuyến nên gia đình ông Kết phải tự chi trả trên 5,6 triệu đồng. Ông Kết cho biết: Khi điều trị ở đây, các bác sĩ cũng phổ biến cho tôi việc làm thủ tục chuyển tuyến hoặc khám chữa bệnh đúng tuyến sẽ được hưởng quyền lợi thanh toán BHYT ở mức cao hơn. Điều này giúp tôi hiểu rõ hơn chính sách bảo hiểm của Nhà nước để không tạo gánh nặng kinh tế cho gia đình mỗi khi đau ốm.

Trường hợp của bà Nguyễn Thu Hiền ở xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn vượt tuyến trung ương để KCB đã được quỹ BHYT thanh toán trên 101 triệu đồng, tương đương 40% chi phí KCB. Tuy nhiên, số tiền gia đình phải tự chi trả lên đến hơn 111 triệu đồng. Như vậy, giả sử bà Hiền có giấy chuyển viện sẽ được quỹ BHYT chi trả hơn 205 triệu đồng.

Theo thống kê mới nhất của BHXH tỉnh, trong năm 2017, có 450 lượt người vượt tuyến để KCB ở tuyến tỉnh. Quỹ BHYT đã thanh toán số tiền 1,1 tỷ đồng; người bệnh tự thanh toán 680 triệu đồng. Đối với trường hợp tự vượt tuyến lên tuyến trung ương có trên 2.350 lượt người; quỹ BHYT thanh toán 5,3 tỷ đồng; người bệnh tự thanh toán 8,5 tỷ đồng. Những con số trên có thể thấy, mặc dù được chi trả BHYT với mức 40% – 60% nhưng chi phí người bệnh phải thanh toán rất lớn, nhất là đối với các trường hợp tự vượt tuyến trung ương. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế gia đình, đó là chưa kể đến các chi phí khác như: ăn, ở, sinh hoạt…

Ông Nông Văn Hoan, Trưởng phòng Giám định BHYT, Bảo hiểm xã hội tỉnh Lạng Sơn cho biết: Đối với việc tự vượt tuyến KCB, người bệnh cần lưu ý là quỹ BHYT chỉ chi trả đối với những trường hợp điều trị nội trú, còn những trường hợp khám, kê đơn, điều trị ngoại trú sẽ không được chi trả BHYT. Vì thế, nếu người bệnh cảm thấy KCB thông tuyến thuận lợi thì nên KCB ở đó để được hưởng quyền lợi thanh toán 100%, thay vì hưởng 70% như trước đây. Người bệnh không nên khám trái tuyến, vượt tuyến vì vừa không được chi trả (đối với KCB ngoại trú) lại phải chi trả nhiều hơn giá của BHYT.

THANH HÒA