Tuy nhiên, để phát triển bền vững BHYT cần phải bảo đảm bao phủ BHYT toàn dân và bảo đảm bền vững tài chính.

Mặc dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng số liệu thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho thấy, lượng người tham gia BHYT ngày càng nhiều. Điều đó vô hình cũng gia tăng áp lực với cơ quan quản lý quỹ BHYT trong việc bảo đảm an toàn quỹ, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tham gia BHYT. Theo ông Dương Văn Hào, Trưởng ban Quản lý Thu-Sổ thẻ (BHXH Việt Nam), tính từ năm 2016 đến nay, số chi KCB BHYT thường xuyên cao hơn quỹ KCB BHYT được sử dụng trong năm. Đơn cử tỷ lệ sử dụng quỹ KCB BHYT trong năm 2016 là 112%; năm 2017 là 123,1%; năm 2018 là 109,7%; năm 2019 là 119% và năm 2020 là 112%. Ước tính 7 tháng đầu năm 2021, số chi KCB BHYT tăng so với cùng kỳ năm 2020 hơn 50.000 tỷ đồng, chiếm gần 50% số dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2021. Đặc biệt, tỷ lệ KCB BHYT không đúng tuyến, điều trị nội trú đều có xu hướng tăng cao… Mặt khác, tình trạng thống kê, thanh toán chi phí KCB BHYT không hợp lý, không đúng quy định, thanh toán khống chi phí KCB BHYT vẫn xảy ra (như: Kê khống đơn thuốc, dịch vụ kỹ thuật, cấp khống giấy nghỉ ốm để hưởng BHXH…). Do vậy, để đạt mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, để mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe thì không còn cách nào khác là phải phát triển BHYT bền vững, bằng hai yêu cầu rất cơ bản đó là: Đạt bao phủ BHYT toàn dân và bảo đảm bền vững tài chính.

Cần bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân và bảo đảm bền vững tài chính
Bảo đảm nguồn kinh phí phục vụ khám, chữa bệnh BHYT trong tình hình dịch Covid-19. Ảnh: ĐẶNG THANH 

 

Theo Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh, nhằm bảo đảm việc sử dụng quỹ KCB BHYT an toàn, hiệu quả, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tăng cường công tác giám định và thanh toán chi phí KCB BHYT; giám sát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và phối hợp với cơ quan chức năng xử lý tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ KCB BHYT… Đồng thời, tích cực phối hợp với Bộ Y tế trong việc tham gia xây dựng dự án Luật BHYT sửa đổi; tập trung giải quyết vướng mắc trong thanh toán chi phí thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT… Về mục tiêu tiếp tục phát triển BHYT toàn dân trong khi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến việc tham gia BHYT của người tham gia, nhất là giảm số người lao động tham gia BHYT ở những khu công nghiệp do lao động mất việc làm… BHXH Việt Nam cũng đã chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia BHYT bằng nhiều hình thức, phù hợp với từng nhóm người, từng vùng miền thông qua phương tiện truyền thông trên môi trường internet và các ứng dụng mạng xã hội (Facebook, Zalo, Youtube…); tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giao dịch điện tử; phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân thực hiện các giao dịch với cơ quan BHXH trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia và qua ứng dụng VssID của ngành; kêu gọi sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp trao tặng thẻ BHYT cho người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19… Mặc dù trong bối cảnh bị tác động bởi dịch bệnh, số người tham gia BHYT theo diện người lao động tại doanh nghiệp giảm nhưng tổng số người tham gia BHYT trong cả nước vẫn bảo đảm duy trì được mục tiêu đề ra.

Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, tính đến hết tháng 7-2021, toàn quốc có khoảng 16 triệu người tham gia BHXH, chiếm 32,08% lực lượng lao động. Trong đó gồm: Hơn 14,7 triệu người tham gia BHXH bắt buộc; gần 1,2 triệu người tham gia BHXH tự nguyện; hơn 13 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp; hơn 85 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 87,17% dân số. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, để phát triển BHYT bền vững, tiến tới BHYT toàn dân, điều kiện quan trọng nhất vẫn là sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cũng như ý thức của người dân, cơ sở y tế về ý nghĩa của việc tham gia BHYT, gắn với việc bảo đảm an toàn và sử dụng hiệu quả quỹ BHYT. Do vậy, thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương; cũng như phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội trong công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHYT. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, việc thực hiện hiệu quả chính sách BHYT toàn dân sẽ góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân, đẩy lùi dịch Covid-19.