Thứ sáu,  20/09/2024

Nông – Lâm trường 461 phủ xanh biên giới

LSO-Nông - Lâm trường 461, Đoàn Kinh tế Quốc phòng 338, Quân khu 1 thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - quốc phòng tại 10 xã đặc biệt khó khăn của các huyện: Đình Lập, Lộc Bình và Văn Lãng. Khắp các bản, làng nơi đây đều in dấu chân của cán bộ, chiến sĩ mang theo những kiến thức, kinh nghiệm, hướng dẫn bà con phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống. 
Cán bộ Nông – Lâm trường 461 hướng dẫn người dân kỹ thuật khai thác nhựa thông

Những ngày đầu tháng 9 này, chúng tôi có dịp đến với cán bộ, chiến sĩ Nông – Lâm trường 461, đơn vị đóng quân trên địa bàn xã Bính Xá, huyện Đình Lập. Giờ đây, những vùng đất đơn vị thực hiện các dự án trồng rừng, hỗ trợ cây giống, hướng dẫn kỹ thuật, giúp dân trồng rừng đều khoác trên mình một màu xanh ngút ngàn.

Thượng tá Phạm Văn Cường, Chính trị viên Nông Lâm trường 461 cho biết: Ban đầu, thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội, đơn vị cũng gặp những khó khăn nhất định, tuyến biên giới – nơi đơn vị phụ trách có khí hậu, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, trình độ dân trí chưa đồng đều. Song, cán bộ, chiến sĩ luôn xác định phải bám chắc địa bàn, cùng ăn, cùng ở, cùng làm, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin, gắn bó mật thiết bằng những việc làm thiết thực. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Trước khi triển khai dự án trồng rừng, đơn vị phối hợp với cấp ủy, chính quyền cơ sở trao đổi, bàn bạc, thống nhất cụ thể, xuống tận thôn bản, tổ chức họp dân, phổ biến kiến thức, chế độ, chính sách về trồng rừng và các quyền lợi được hưởng. Thời gian đầu, khi nghe tuyên truyền, hướng dẫn, nhiều hộ gia đình cảm thấy thiếu tự tin. Vì khi nói đến giá trị kinh tế từ trồng rừng, người dân thực sự chưa thể hình dung ra được, do thời gian hiệu quả mang lại lợi ích là khá dài. Song, với sự chỉ bảo, giúp đỡ tận tình của cán bộ, chiến sĩ vừa làm, vừa thuyết phục, dần tạo niềm tin, gắn bó quân với dân một ý chí, đến nay nhiều gia đình đã có diện tích rừng trồng nhất định.

Hiện nay, những diện tích rừng trồng từ năm 2005 đến 2008 nhân dân đã khai thác khoảng 3 – 5 năm nay. Ông Hoàng Văn Tàn ở thôn Khẩu Nua, xã Bính Xã cho biết: Sau hơn 10 năm trồng, chăm sóc đến nay, thu nhập từ rừng trồng của gia đình đạt từ 50 – 100 triệu đồng/năm. Nhờ đó, gia đình có cuộc sống tốt hơn, xây dựng nhà cửa, mua sắm được các vật dụng cần thiết, phục vụ nhu cầu sinh hoạt và giúp con cháu có điều hiện học hành.

Chỉ tính từ năm 2012 đến nay, mỗi năm đơn vị ươm khoảng 15 vạn cây thông giống, cùng nhân dân trồng mới rừng phòng hộ được hơn 40 ha; chăm sóc, bảo vệ hơn 2.414 ha; bàn giao cho nhân dân quản lý gần 850 ha; đối với rừng vành đai biên giới, trồng mới gần 400 ha, chăm sóc, bảo vệ gần 800 ha. Nhìn những cánh rừng thông đang lên xanh tốt, chỉ vài năm nữa toàn bộ diện tích rừng trồng này sẽ đem lại cho bà con những khoản thu nhập đáng kể.

Đồng chí Lộc Văn Linh, Bí thư Đảng ủy xã Bính Xá, huyện Đình Lập cho biết: Từ ngày Nông – Lâm trường 461 về giúp dân phát triển kinh tế – xã hội, cuộc sống của bà con có nhiều đổi thay, đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện rõ rệt. Hiện nay, toàn xã có 174 hộ gia đình được thụ hưởng từ dự án trồng rừng, 3 năm gần đây đều có thu nhập ổn định, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã mỗi năm giảm được trên 5% tỷ lệ hộ nghèo.

NÔNG ĐÌNH QUANG