Thứ sáu,  20/09/2024

55 năm ấy biết bao ân tình

(LSO) – Thấm thoắt đã 55 năm, hơn nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày Báo Lạng Sơn – cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh ra mắt bạn đọc số đầu tiên (1/5/1964 – 1/5/2019). Nhớ lại những ngày đầu tiên, với 5 cán bộ, gồm: 1 phó tổng biên tập chuyên trách; 1 thư ký tòa soạn, vừa biên tập tin, bài, vừa làm nhiệm vụ của hành chính, kế toán…; 1 phóng viên nhiếp ảnh; 2 phóng viên viết. Chỉ chừng ấy con người, trong điều kiện chiến tranh chống Mỹ ác liệt, nhưng vẫn đảm bảo ra báo định kỳ.

Những ngày đầu tiên ấy, mặc dù biên chế không nhiều, lại trong cảnh chiến tranh, cơ quan phải sơ tán, các điều kiện làm việc và hoạt động nghiệp vụ hết sức thiếu thốn. Về mặt chuyên môn, chỉ có 1 – 2 đồng chí được đi bồi dưỡng nghiệp vụ làm báo 3 tháng. Nhưng được sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, sự đồng thuận, đoàn kết nhất trí cao của tập thể toà soạn, anh em làm báo đã chung sức, đồng lòng hoàn thành xuất sắc  nhiệm vụ được  giao.

Báo Lạng Sơn số 1, lưu trữ bảo quản tại Bảo tàng tỉnh.  Ảnh: VŨ NHƯ PHONG

Thực hiện chủ trương của trung ương, tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Cao Bằng sáp nhập; Báo Lạng Sơn và Báo Cao Bằng cũng sáp nhập thành Báo Cao Lạng. Anh em Lạng Sơn lên Cao Lạng, cùng tập thể  tòa soạn mới hoạt động tích cực, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Sau 3 năm sáp nhập, năm 1978 Hội đồng Nhà nước quyết định tách tỉnh Cao Lạng trở thành tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Cao Bằng. Sau khi tách tỉnh, Báo Lạng Sơn trở về thì chiến tranh biên giới xảy ra, tòa soạn theo Tỉnh ủy sơ tán về Đồng Mỏ, dựa vào cơ sở của Huyện ủy Chi Lăng làm nơi tạm trú của anh em phóng viên. Sau khi địch rút khỏi  thị xã, để thuận tiện cho hoạt động, tòa soạn đã trở về thị xã làm việc.

Đất nước, tỉnh ta đang trong giai đoạn khó khăn, tòa soạn cũng vậy, lực lượng phóng viên, biên tập viên còn thiếu và chưa ổn định, phương tiện phục vụ cho hoạt động nghiệp vụ hết sức thiếu thốn, nghèo nàn; chưa  có xe ô tô để phục vụ công tác. Kinh phí chi thường xuyên cũng rất hạn chế. Sau mỗi đợt công tác, từ tổng biên tập đến phóng viên cùng trao đổi nghiệp vụ: về phương pháp khai thác tài liệu; cách viết tin, bài thế nào cho thật hay, thật hấp dẫn…Qua đó, dần khắc phục được  tình trạng thiếu tin, bài và đã có nhiều tin, bài hay trên mặt báo.

Từ khi đất nước thực hiện công cuộc đổi mới, Báo Lạng Sơn được quan tâm đầu tư, được cấp xe ô tô phục vụ công tác, từ 1 xe rồi 2 xe ô tô; được xây dựng trụ sở mới khang trang, được trang bị máy vi tính để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn.

Gắn bó máu thịt với Đảng bộ tỉnh và đồng bào các dân tộc, đội ngũ các thế hệ người làm báo Lạng Sơn ngày càng trưởng thành vượt bậc. Ngày nay, Báo Lạng Sơn đã có hơn 30 cán bộ, biên tập viên, phóng viên, kỹ thuật viên, người lao động làm báo in và báo điện tử. Anh chị em từ phóng viên đến biên tập viên đều có trình độ đại học, nhiều phóng viên có 2 bằng đại học trở lên; nhiều người có bằng thạc sĩ báo chí. Trong thời kỳ phát triển mạng xã hội, Internet, đặc biệt thời kỳ cách mạnh công nghiệp 4.0, tạo điều kiện để phóng viên được tiếp xúc với nhiều nguồn tin tức hơn. Được trang bị đầy đủ các phương tiện hành nghề như: máy ảnh tốt, máy ghi âm hiện đại, máy quay phim tiên tiến, có phương tiện đi công tác tốt… anh em làm báo có điều kiện phát triển.

Bám sát tôn chỉ, mục đích, phục vụ nhiệm vụ chính trị, báo đã tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh; tuyên truyền, cổ vũ các cuộc vận động lớn, những phong trào thi đua, những điển hình, những mặt tích cực của đời sống xã hội; phê phán, đấu tranh chống tệ nạn quan liêu, tham nhũng và những tiêu cực của xã hội; định hướng dư luận xã hội, tạo nên sự thống nhất trong tư tưởng.

Các ấn phẩm của Báo Lạng Sơn luôn chuẩn mực về nội dung và văn phong, mang tính giáo dục, tính chiến đấu cao, trở thành vũ khí tư tưởng sắc bén, đóng góp có hiệu quả vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với phương châm “xây” để “chống”;  lấy cái tốt để đẩy lùi cái xấu, cái tích cực lấn át cái tiêu cực đã trở thành mục tiêu, chuẩn mực của Báo  Lạng Sơn hiện nay.

Truyền thống 55 năm xây dựng và trưởng thành sẽ là bệ phóng vững chắc cho thế hệ trẻ, tạo nên sức sống trên từng số  Báo Lạng Sơn trong thời kỳ mới.

MAI TÙNG


Tự hào 55 năm ngày Báo Lạng Sơn ra số đầu

(LSO) – Cách đây 55 năm, ngày 1/5/1964, Báo Lạng Sơn xuất bản số đầu tiên. Từ đó đến nay, tờ báo đã phát triển tăng kỳ, tăng trang và tăng số lượng phát hành; không ngừng đổi mới về nội dung và hình thức. Dưới đây là cảm nhận của các nhà báo lão thành về sự phát triển của báo Lạng Sơn

*Đồng chí Hà Nghiên, nguyên Tổng Biên tập Báo Lạng Sơn: “Tự hào với truyền thống và sự phát triển của Báo Lạng Sơn”.

Trải qua 55 năm, đến nay, Báo Lạng Sơn đã có một diện mạo mới, hình thức đẹp hơn, nội dung đổi mới, phong phú hơn, phóng viên năng động, phương tiện tác nghiệp hiện đại, góp phần đáp ứng nhu cầu thông tin của bạn đọc và xu thế phát triển báo chí trong tình hình mới. Vì vậy, là thế hệ đi trước, tôi mong muốn các đồng chí lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật của báo luôn phát huy thành quả ấy, tiếp tục nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ để có nhiều bài viết sâu sắc, nhiều trang báo, tờ báo đẹp, hấp dẫn độc giả. Đặc biệt là có nhiều bài viết mang tính đấu tranh, phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

*Đồng chí Hoàng Thanh Luyện, nguyên Trưởng Phòng Chính trị xã hội: “Phóng viên cần tinh thông nghiệp vụ, nhiệt huyết, say mê”.

Ngày hôm nay, thế hệ làm báo trẻ, năng động, cơ bản được đào tạo nghiệp vụ nên làm báo chuyên nghiệp hơn, tác nghiệp cũng nhanh hơn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về tốc độ cập nhật thông tin của độc giả. So với thời kỳ làm báo ngày trước thì Báo Lạng Sơn hôm nay đã phát triển vượt bậc, rất đáng tự hào. Tôi mong muốn đội ngũ phóng viên tiếp tục phát huy truyền thống, tăng cường tự học, tự đổi mới, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tích cực khai thác, phản ánh các đề tài trái chiều, các vấn đề bức xúc trong nhân dân. Đặc biệt phóng viên cần quan tâm hơn đến chất lượng ảnh báo chí.

Trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay, nhất là trên các trang mạng xã hội thì người phóng viên cần nâng cao trình độ lý luận chính trị, tinh thông nghiệp vụ, biết chọn lọc thông tin để đọc, để đưa tin sao cho đúng, trúng, kịp thời, góp phần định hướng dư luận xã hội.

*Đồng chí Dương Đặng Chấn, nguyên Trưởng phòng Biên tập:  “Người làm công tác biên tập cần luôn cẩn thận, bám sát định hướng chính trị của tờ báo Đảng”.

Sau 3 năm làm phóng viên, tôi được cơ quan phân công về phòng biên tập, phụ trách nhiệm vụ biên tập tin, bài, ảnh của phóng viên, thông tin viên, lên ma két, đánh máy chữ… Khó khăn là thế nhưng chúng tôi luôn cố gắng tập trung cao độ, tuyệt đối không để xảy ra lỗi về chủ trương, định hướng chính trị.

Nhớ lại thời khó khăn ấy để thấy thế hệ làm báo hôm nay đã có những tiến bộ vượt bậc khi môi trường làm báo đã có rất nhiều phương tiện hiện đại hỗ trợ, nhiều phần mềm xử lý nhanh, khoa học, chất lượng giấy in, cách trình bày cũng có nhiều sáng tạo, đổi mới. Mặc dù vậy, người làm biên tập thời nào cũng cần có cái tâm trong sáng, nâng cao trình độ nghiệp vụ, tận tâm, cẩn thận, bám sát định hướng để tham mưu cho lãnh đạo những sản phẩm có chất lượng nội dung tốt nhất.

55 năm là cả một quá trình phát triển, mong muốn thế hệ trẻ luôn nhiệt huyết, trách nhiệm, để với trình độ được đào tạo bài bản, bản lĩnh chính trị kiên định, lập trường vững vàng sẽ đoàn kết đưa Báo Lạng Sơn ngày càng phát triển.

THANH HUYỀN