Thứ sáu,  05/07/2024

Tăng cường quản lý, phát huy hiệu quả Lễ hội xuân Xứ Lạng

LSO-Mùa Lễ hội năm 2010 đang đến với quê hương Xứ Lạng. Nhìn lại những mùa lễ hội trước, hiệu quả về xây dựng nền tảng văn hoá, tinh thần và thu hút du lịch đều đáng được ghi nhận. Tuy nhiên, mỗi mùa lễ hội đi qua cũng đã để lại những điều chúng ta phải suy nghĩ, trăn trở. Trăn trở bởi Lễ hội hoành tráng thế nhưng kết thúc Lễ hội, dấu ấn đọng lại không được bao nhiêu, hơn nữa phải giải quyết các vấn đề liên quan đến “ dịch vụ ăn theo” và ô nhiễm môi trường. Lạng Sơn vốn nổi tiếng bởi hằng năm có trên 300 lễ hội lớn nhỏ. Ngày mồng 4 Tết đã có Lễ hội ở Văn Quan, mồng 5 Tết có Lễ hội ở Quảng Lạc (TP Lạng Sơn), mồng 6 có Lễ hội ở Thuỵ Hùng ( Cao Lộc), mồng 7 tháng giêng có Lễ hội Đình Đông Quất xã Cường Lợi (Đình Lập), đặc biệt là Lễ hội Đền Mẫu Đồng Đăng nổi tiếng khắp vùng khai hội vào ngày 10 tháng giêng. Năm nay, Lạng Sơn chọn địa điểm tổ chức Khai mạc Lễ hội...

LSO-Mùa Lễ hội năm 2010 đang đến với quê hương Xứ Lạng. Nhìn lại những mùa lễ hội trước, hiệu quả về xây dựng nền tảng văn hoá, tinh thần và thu hút du lịch đều đáng được ghi nhận. Tuy nhiên, mỗi mùa lễ hội đi qua cũng đã để lại những điều chúng ta phải suy nghĩ, trăn trở. Trăn trở bởi Lễ hội hoành tráng thế nhưng kết thúc Lễ hội, dấu ấn đọng lại không được bao nhiêu, hơn nữa phải giải quyết các vấn đề liên quan đến “ dịch vụ ăn theo” và ô nhiễm môi trường.
Lạng Sơn vốn nổi tiếng bởi hằng năm có trên 300 lễ hội lớn nhỏ. Ngày mồng 4 Tết đã có Lễ hội ở Văn Quan, mồng 5 Tết có Lễ hội ở Quảng Lạc (TP Lạng Sơn), mồng 6 có Lễ hội ở Thuỵ Hùng ( Cao Lộc), mồng 7 tháng giêng có Lễ hội Đình Đông Quất xã Cường Lợi (Đình Lập), đặc biệt là Lễ hội Đền Mẫu Đồng Đăng nổi tiếng khắp vùng khai hội vào ngày 10 tháng giêng. Năm nay, Lạng Sơn chọn địa điểm tổ chức Khai mạc Lễ hội Xuân Xứ Lạng năm 2010 tại Sân Vận động Đồng Đăng vào ngày 10 tháng giêng. Bắt đầu từ đây sẽ là điểm nhấn khởi đầu cho mùa Lễ hội xuân Xứ Lạng trải dài khắp mùa xuân.
Để Lễ hội thật sự thành công cần sự tác động tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó, quan trọng nhất là công tác tổ chức và quản lý. Trước hết, về công tác tổ chức, mỗi lễ hội cần có sự thay đổi các thức tổ chức cho phù hợp. Điều dễ dàng nhận thấy, năm nào cũng vậy, việc tổ chức các Lễ hội thường diễn ra theo một mô típ cũ đã thành nếp, không có sự đổi mới. Việc duy trì thói quen quá lâu cách thức tổ chức cũ, việc sân khấu hoá qúa mức các hoạt động văn hoá, nghệ thuật đã gây tâm lý nhàm chán. Sự thay đổi muốn nói ở đây không phải là một sự cách tân hoàn toàn mà là sự kết hợp hài hoà giữa bản sắc văn hoá dân gian và văn hoá hiện đại. Các trò chơi dân gian trong Lễ hội cũng phải được chon lọc, nếu trò chơi nào không còn phù hợp với hiện tại thì mạnh dạn bỏ đi để thay vào đó trò chơi mới, có như thế mới tạo được sự hấp dẫn từ Lễ hội. Mặt khác, mỗi Lễ hội, Ban tổ chức thường kỳ vọng vào hiệu quả xây dựng nền tảng văn hoá tinh thần cho dân chúng sở tại và quan trọng không kém phần đó là quảng bá sản phẩm vùng miền và thu hút du lịch. Ngày nay, tổ chức Lễ hội để thu hút du lịch đã trở thành trào lưu chung của cả nước, Lạng Sơn cũng không thể ngoài mục đích đó. Để thu hút du lịch có hiệu quả thì việc quảng bá, tuyên truyền cần phải đổi mới phương thức. Muốn thu hút khách thập phương thì không chỉ tuyên truyền quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh nhà mà quan trọng là phải biết tuyên truyền, quảng bá văn hoá, hình ảnh Lạng Sơn ra bên ngoài bằng hệ thống thông tin mạng và các phương tiện truyền thông đại chúng của Trung ương và của các tỉnh bạn. Theo đó, dịch vụ nghỉ ngơi cũng cần đươc quan tâm hơn, hiện nay, chỉ tính trên địa bàn thành phố Lạng Sơn có gần trăm nhà nghỉ, khách sạn nhưng hầu hết quy mô nhỏ và ở các địa điểm không tập trung, khả năng liên kết rất lỏng lẻo, điều đó đã gây không ít khó khăn cho việc bố trí chỗ nghỉ cho các đoàn khách đông người. Đã đến lúc phải hình thành hiệp hội, trước mắt là hội doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ, khách sạn để tạo tính liên kết thống nhất hỗ trợ lẫn nhau nhằm mục đích phục vụ khách du lịch được tốt hơn.
Về công tác quản lý, Các Lễ hội ở Lạng Sơn cũng nằm trong tình trạng chung, đó là sự nhức nhối của các “dịch vụ ăn theo” lễ hội. Trừ các Lễ hội nhỏ, các Lễ hội lớn đều xuất hiện bóng dáng của các tệ nạn bói toán, sóc thẻ, lên đồng, đánh bạc trá hình, tệ ăn xin, say rượu, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường. Đó là sự tồn tại của những hoạt động kém văn minh, gây khó chịu đối với du khách, những hành vi tưởng chừng nhỏ đó nhưng nó tác động tiêu cực rất lớn đến thành công của mỗi Lễ hội. Phát triển Lễ hội đi đôi với quản lý tốt là đòi hỏi thường trực để mỗi Lễ hội mùa xuân đều đón nhận được những thành công mới. Thực tế qua nhiều năm tổ chức đã thu được kết quả đáng khích lệ nhưng chúng ta cũng chưa thể bằng lòng vì tiềm năng còn lớn mà việc khai thác đang còn những hạn chế nhất định, đồng thời công tác quản lý lễ hội cũng còn lỏng lẻo.
Năm nay, việc phát huy hiệu quả thu hút du lịch từ các Lễ hội xuân Xứ Lạng tiếp tục được đặt lên vị trí hàng đầu. Do đó, tăng cường quản lý đi đôi với tổ chức thật tốt các Lễ hội xuân Xứ Lạng là tiền đề quan trọng, là chiếc chìa khoá của thành công. Lễ hội xuân Xứ Lạng thành công là sự khởi đầu tốt đẹp để văn hoá, du lịch Lạng Sơn năm 2010 tiếp tục khởi sắc.

Minh Chấn