Thứ hai,  08/07/2024

Trăn trở mùa lễ hội

LSO-Song song với những ý nghĩa thiết thực mà lễ hội đem lại, thì việc lợi dụng dịp này để tổ chức các hoạt động thiếu lành mạnh hiện vẫn đang là vấn đề trăn trở của các cấp, các ngành tỉnh Lạng Sơn.Theo thống kê của ngành văn hóa – thể thao và du lịch, mỗi năm trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có trên 300 lễ hội lớn nhỏ được diễn ra, trong đó lễ hội truyền thống dân gian là loại hình phổ biến, chủ yếu được tổ chức ở quy mô cấp phường, xã. Tính trung bình mỗi ngày trên địa bàn tỉnh có 1 hoặc 2 lễ hội lớn nhỏ. Đây là phần không thể thiếu được trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân các dân tộc sau Tết Nguyên đán hàng năm. Mặc dù các ban quản lý hội chuẩn bị rất chu đáo về phần lễ và phần hội, song tại nhiều lễ hội thì việc lãng phí của các tập thể và cá nhân còn nhiều, tập trung chủ yếu ở việc dùng số lượng lớn đồ lễ, vàng mã, hương nến… Chị Hoàng Thị Hải, thị trấn Đồng...

LSO-Song song với những ý nghĩa thiết thực mà lễ hội đem lại, thì việc lợi dụng dịp này để tổ chức các hoạt động thiếu lành mạnh hiện vẫn đang là vấn đề trăn trở của các cấp, các ngành tỉnh Lạng Sơn.
Theo thống kê của ngành văn hóa – thể thao và du lịch, mỗi năm trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có trên 300 lễ hội lớn nhỏ được diễn ra, trong đó lễ hội truyền thống dân gian là loại hình phổ biến, chủ yếu được tổ chức ở quy mô cấp phường, xã. Tính trung bình mỗi ngày trên địa bàn tỉnh có 1 hoặc 2 lễ hội lớn nhỏ. Đây là phần không thể thiếu được trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân các dân tộc sau Tết Nguyên đán hàng năm. Mặc dù các ban quản lý hội chuẩn bị rất chu đáo về phần lễ và phần hội, song tại nhiều lễ hội thì việc lãng phí của các tập thể và cá nhân còn nhiều, tập trung chủ yếu ở việc dùng số lượng lớn đồ lễ, vàng mã, hương nến… Chị Hoàng Thị Hải, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc cho biết: sinh ra và lớn lên ở Đồng Đăng nên chị được chứng kiến rất nhiều người hành lễ tốn kém tiền của. Biết rằng “lễ nhạt lòng thành”, “Phật tại tâm” nhưng họ vẫn sẵn sàng sắm mâm lễ, ít thì vàng hương, tiền lẻ, nhiều thì hoa quả, bánh kẹo, thậm chí cả lợn quay.
Đống hương lớn ở trên đền Mẫu Đồng Đăng (Cao Lộc)
Bên cạnh việc tổ chức lễ hội một cách chu đáo đáp ứng phần nào đời sống tinh thần của người dân địa phương và khách thập phương đến trẩy hội thì tại một số đình, đền, chùa vẫn còn diễn ra những hoạt động thiếu lành mạnh như: lên đồng, xem tướng số, vận hạn, bói toán, xóc quẻ, đánh bạc trá hình, rút thẻ bốc số ăn tiền, đánh cờ tướng, đánh hình tôm, cua, cá, quay “chiếc nón kỳ diệu” để “móc túi” người đi hội. Họ có những chiêu bài rất hấp dẫn nên lôi cuốn cả người già, người trẻ tham gia. Không ít người đã chịu cảnh “trắng tay” khi ra về. Thấy được tác hại của những trò chơi trên, anh Vũ Trần Hoạch, một người đi hội tâm sự: trước đây, mỗi lần đi hội tôi đều tham gia chơi 1 hoặc 2 trò chơi như rút thăm trúng thưởng, chơi xúc xắc… Ban đầu chỉ có ý định chơi vui, giải trí, nhưng càng chơi càng ham, càng đánh càng thua vì tỉ lệ may rủi thì phần rủi rất lớn, chưa kể đến việc chơi gian, lừa đảo. Rút kinh nghiệm từ những lần đi về tay trắng, lần này đi hội tôi đã tránh xa các trò “đỏ đen” đó để tránh tiền mất tật mang.
Bên cạnh việc kinh doanh trò chơi dưới hình thức đánh bạc trá hình thì xảy ra tình trạng lợi dụng lễ hội để tăng giá trông xe máy, ô tô, xe đạp cao hơn so với quy định như ở các lễ hội Đồng Đăng, Bắc Nga, Chùa Tiên, Tam Thanh… Các điểm trông giữ xe thi nhau xuất hiện, rồi đua nhau tăng giá tiền gửi từ 5 – 10 nghìn đồng, thậm chí từ 15 – 20 nghìn đồng/ lượt, trong khi chỗ gửi không đảm bảo an toàn. Những việc làm đó đã gây bức xúc cho nhiều người dân đến tham gia lễ hội. Nhưng vì chấp hành việc chống ách tắc và để thuận tiện cho việc chơi hội, họ vẫn phải “ngậm ngùi” chấp nhận. Tại một số lễ hội, ngoài hòm công đức được ủng hộ một cách tự nguyện thì việc tổ chức thu phí vào các đền, chùa vẫn xảy ra, vì thế đã ảnh hưởng đến lượng khách đến vãn cảnh… Một vấn đề đáng quan tâm hơn nữa là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Các quán bán đồ nướng, hoa quả, nước uống… mọc lên như nấm sau mưa mà không biết có đảm bảo chất lượng hay không, trong khi giá thì gấp 3, gấp 4 lần ngày thường. Chị Trương Thị Lạng, người dân đi lễ hội cho biết, không thể đếm được có bao nhiêu người kinh doanh dịch vụ ăn uống cả chuyên lẫn không chuyên. Ngày thường thì chỉ một vài quán ăn, nhưng gần đến những ngày lễ hội thì nhà nhà kinh doanh. Họ chỉ quan tâm đến việc bán được nhiều hay ít mà không hề để ý đến chất lượng nguyên liệu, sản phẩm chế biến rồi thả sức “hét” giá.
Tắc đường ở lễ hội Bắc Nga (Cao Lộc) – Ảnh: MH

Thiết nghĩ, để khắc phục thực trạng vi phạm về quy chế hoạt động và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng một cách lành mạnh thì các cấp, các ngành quản lý văn hóa cần tập trung nâng cao ý thức trách nhiệm cho người kinh doanh văn hóa và dịch vụ văn hóa theo đúng pháp luật. Đồng thời, ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình kinh doanh những dịch vụ văn hóa trái với quy định của pháp luật; hướng mọi người vào các trò chơi dân gian thiết thực, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tại các lễ hội để các lễ hội đều diễn ra vui vẻ và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Thanh Hòa