Thứ sáu,  20/09/2024

Tuổi trẻ Chi Lăng phát triển mô hình kinh tế

LSO-Trong những năm gần đây, cùng với việc triển khai hiệu quả các phong trào thi đua, các hoạt động xung kích, tình nguyện, Huyện đoàn Chi Lăng đã phát huy tốt vai trò đồng hành cùng thanh niên trong lập thân, lập nghiệp, phát triển kinh tế. Qua đó, đã xuất hiện nhiều mô hình của đoàn viên thanh niên (ĐVTN) làm ăn có hiệu quả góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.


Mô hình nuôi ong lấy mật đã mang lại thu nhập ổn định cho anh
Vương Văn Nghiêm
 (ngoài cùng bên phải) xã Bắc Thủy, huyện Chi Lăng

Xác định phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho thanh niên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong những năm qua, Huyện đoàn Chi Lăng đã triển khai nhiều chương trình, giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ cho ĐVTN phát triển kinh tế. Cụ thể như: tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, duy trì nhân rộng các mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi. Đồng thời, trong những buổi sinh hoạt đoàn, thông qua việc nêu gương điển hình những mô hình làm kinh tế hiệu quả, các cơ sở đoàn chủ động vận động ĐVTN hỗ trợ thanh niên nghèo quyết chí làm ăn bằng việc hỗ trợ cây, con giống… cho thanh niên.

Anh Đoàn Thành Công, Phó Bí thư Huyện đoàn Chi Lăng cho biết: Hiện nay, tổng dư nợ do Đoàn Thanh niên trên địa bàn huyện quản lý đạt trên 50 tỷ đồng với 51 tổ tiết kiệm vay vốn cho 2.025 hộ vay. Với những hoạt động, chương trình cụ thể hỗ trợ ĐVTN phát triển kinh tế được các cấp bộ đoàn triển khai, đến nay, toàn huyện đã có trên 40 mô hình kinh tế của thanh niên đang thực hiện và bước đầu đã có những kết quả đáng khích lệ, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi. Chỉ riêng từ đầu năm 2017 đến nay, Huyện đoàn Chi Lăng đã chủ động phối hợp với các ngành, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức tập huấn được 4 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, đồng thời tư vấn hướng nghiệp, dạy nghề cho trên 1.000 ĐVTN và học sinh.

Với sự đồng hành của các cấp bộ đoàn, phong trào “Thanh niên thi đua lập thân, lập nghiệp, phát triển kinh tế” đã có sức lan toả rộng khắp trong thanh niên trên địa bàn toàn huyện. Đến nay, phần lớn thanh niên ở các xã đã ý thức, tích cực thi đua phát triển kinh tế, mạnh dạn thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Trong đó đã xuất hiện nhiều mô hình có thu nhập từ 80 đến 100 triệu đồng/năm. Như mô hình sản xuất tinh bột nghệ của anh Hoàng Trọng Nghĩa, ở xã Quan Sơn, tạo việc làm cho 7 ĐVTN với mức thu nhập bình quân gần 5 triệu đồng/người/ tháng; mô hình trồng bưởi Diễn của anh Vy Văn Viễn, xã Chi Lăng hay mô hình nuôi ong lấy mật của anh Vương Văn Nghiêm tại xã Bắc Thủy…Ngoài ra, Huyện đoàn đã thành lập các tổ thanh niên liên kết sản xuất, mô hình dịch vụ, tạo điều kiện giúp ĐVTN về vốn, kinh nghiệm sản xuất…

Anh Vương Văn Nghiêm, đoàn viên xã Bắc Thủy, huyện Chi Lăng cho biết: Đầu năm 2016, nhận thấy diện tích đất, vườn cây của gia đình phù hợp với việc nuôi ong mật, tôi đã mạnh dạn mua 20 đàn ong về nuôi. Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật, đàn ong mật của gia đình đã sinh trưởng và phát triển tốt. Đến nay, sau hơn 2 năm vừa nuôi và nhân giống, đàn ong mật của gia đình tôi đã tăng lên trên 80 đàn, mỗi năm trừ chi phí, đàn ong cho thu nhập trên 70 triệu đồng. Trong thời gian tới, tôi dự định thành lập hợp tác xã nuôi ong, tiến tới xây dựng, đăng ký thương hiệu mật ong chất lượng cao, tạo thị trường ổn định cho sản phẩm… Đồng thời cũng để tập hợp những thanh niên trong xã có cùng sở thích nuôi ong, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế.

Có thể thấy rằng, phong trào thi đua phát triển kinh tế của ĐVTN đang lan rộng trên toàn huyện Chi Lăng. Các mô hình phát triển kinh tế thành công giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Qua đó góp phần tăng cường thu hút, đoàn kết tập hợp thanh niên, xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh; phát huy vai trò của ĐVTN trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

HOÀNG CƯỜNG