Thứ sáu,  20/09/2024

Phòng, chống dịch tả lợn châu Phi là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách

LSO-Chiều nay (9/4), đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn chủ trì hội nghị trực tuyến 3 cấp triển khai cấp bách nhiệm vụ phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh.


Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu
tại hội nghị trực tuyến

Ngay tại hội nghị, trước những diễn biến phức tạp của dịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định rằng: nguy cơ lây lan dịch tả lợn châu Phi trên đàn lợn hiện rất cao.

Thực tế, sau 30 ngày, kể từ khi ổ dịch xuất hiện tại thôn Nà Lùng, xã Xuân Mãn, huyện Lộc Bình, đến ngày 9/4, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 8 thôn thuộc 6 xã của 3 huyện: Lộc Bình, Văn Lãng, Hữu Lũng. Tổng số lợn phải tiêu hủy là 342 con.

Tại hội nghị, các đại biểu nêu rõ những nguy cơ có thể dẫn đến dịch bệnh lây lan. Cụ thể như: một số hộ dân khi có lợn chết không khai báo mà tự đem chôn; người chăn nuôi lợn vẫn còn lơ là, thả rông; việc kiểm soát dịch bệnh tại địa bàn biên giới gặp khó khăn… Đồng thời thảo luận các biện pháp ngăn chặn, khống chế dịch bệnh.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao những nỗ lực của các cấp, các ngành trong công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Những địa bàn có dịch, UBND các huyện, các xã đã triển khai kịp thời các biện pháp kỹ thuật nhằm khống chế, không để dịch lây lan.

Tuy vậy, công tác phòng dịch còn một số hạn chế. Cụ thể, công tác tuyên truyền vẫn chưa râu rộng, người dân, người chăn nuôi chưa nắm rõ về diễn biến, tình hình dịch tả lợn châu Phi. Nhiều bà con khu vực xã biên giới vẫn di chuyển từ vùng dịch (tại Trung Quốc) vào địa bàn; việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch của cán bộ thú y, cán bộ xã tại khu vực có dịch còn lúng túng; công tác lập chốt còn hình thức; phun thuốc tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại còn thực hiện khá sơ sài…

Để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi không bùng phát và lây lan ra diện rộng, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ rõ: Cấp ủy, chính quyền các cấp cần coi phòng, chống dịch tả lợn châu Phi là nhiệm vụ cấp bách; tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu rõ, tích cực phòng, chống và không quay lưng với sản phẩm thịt lợn sạch; thực hiện tốt công tác tiêu độc khử trùng, vệ sinh thú y và thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; duy trì nghiêm các chốt kiểm dịch; xử lý tốt nguồn nước thải trong chăn nuôi; tập trung vật tư, phương tiện để xử lý những vùng có dịch. Các huyện, thành phố khẩn trương bố trí nguồn kinh phí để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; kịp thời hỗ trợ kinh phí cho các hộ có lợn bị tiêu hủy do nhiễm dịch; chính quyền các cấp cần thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo về tình hình dịch bệnh…

TRÍ DŨNG