Thứ sáu,  20/09/2024

Phòng, chống dịch bệnh trên trâu, bò: Quyết liệt ngăn “dịch chồng dịch”

(LSO) – Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, tình hình dịch bệnh trên trâu, bò có diễn biến phức tạp. Dịch bệnh viêm da nổi cục chưa được khống chế thì ở một số huyện, thành phố lại xuất hiện bệnh lở mồm long móng. Trước tình hình đó, công tác phòng, chống dịch đang được các ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh triển khai quyết liệt.

Ngày 13/10/2020, tại thôn Đồng La, xã Yên Bình, huyện Hữu Lũng đã phát hiện 1 con bò bị bệnh viêm da nổi cục. Chỉ trong 20 ngày, dịch đã lan ra các xã: Hòa Bình, Quyết Thắng của huyện Hữu Lũng. Tổng số con mắc tăng lên 59 con và đã có 5 con bị chết. Trong bối cảnh bệnh viêm da nổi cục có nguy cơ lan trên diện rộng thì cuối tháng 10/2020, bệnh lở mồm long móng (LMLM) trên trâu, bò lại xuất hiện tại 18 hộ ở 4 thôn của 3 xã, thị trấn thuộc 2 huyện: Chi Lăng và Bình Gia với tổng số 70 con trâu, bò mắc bệnh.

Cán bộ thú y lấy mẫu xét nghiệm bò nghi nhiễm bệnh viêm da nổi cục tại thôn Làng Đăm, xã Vạn Linh (huyện Chi Lăng)

Trước thực tế đó, ngành chức năng tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch, tránh tình trạng “dịch chồng dịch” bùng phát trên diện rộng. Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Xác định phòng, chống dịch bệnh trên trâu, bò là nhiệm vụ cấp bách, ngay khi phát hiện ổ dịch viêm da nổi cục trên địa bàn huyện Hữu Lũng, đơn vị đã cấp trên 1.500 lít thuốc sát trùng phun tiêu độc khử trùng khu vực chuồng trại xung quanh vùng dịch. Đồng thời, chi cục cử cán bộ thú y hỗ trợ cơ sở khoanh vùng, khống chế; tuyên truyền cho bà con về dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống. Song song với đó, chi cục triển khai tiêm phòng vắc – xin LMLM cho đàn gia súc và phun tiêu độc khử trùng tại các xã xuất hiện ổ bệnh này.

Ngoài ra, các xã có ổ dịch cũng chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống. Ông Hoàng Văn Phát, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng cho biết: Ngày 29/10/2020, trên địa bàn xã phát hiện 20 con trâu, bò thuộc 2 thôn Nà Lìu và Bản Dù mắc bệnh LMLM. Chúng tôi đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện thành lập tổ phun tiêu độc khử trùng, rắc vôi bột tại các khu vực bị nhiễm bệnh và tiến hành tiêm vắc – xin LMLM cho đàn gia súc trên toàn xã. Đồng thời, tuyên truyền bà con giữ gìn vệ sinh môi trường, chuẩn bị đầy đủ thức ăn để tăng sức đề kháng cho vật nuôi và hướng dẫn cách điều trị.

Cán bộ Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Bình Gia phun tiêu độc khử trùng khu vực có dịch bệnh LMLM tại thôn Tân Yên, thị trấn Bình Gia, huyện Bình Gia

Đến nay, các ổ bệnh LMLM đã được khống chế; số trâu, bò mắc tại 2 huyện: Chi Lăng, Bình Gia đã khỏi triệu chứng. Tuy nhiên, dịch bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò vẫn còn diễn biến phức tạp, bởi đây là bệnh mới, chưa có vắc – xin chữa trị. Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, đến ngày 8/12/2020, bệnh viêm da nổi cục đã xuất hiện ở 8/10 huyện, thành phố với tổng 456 con trâu, bò mắc bệnh, trong đó, 21 con bị chết và tiêu hủy.

Ngày 15/11/2020, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với Cục Thú y thí điểm tiêm thử nghiệm 123 liều vắc – xin đậu dê cho đàn gia súc tại xã Yên Bình, huyện Hữu Lũng. Đến nay, đã qua 25 ngày, gia súc được tiêm phòng không có phản ứng phụ sau tiêm. Theo kế hoạch, sau 28 ngày, kết quả thử nghiệm đáp ứng yêu cầu, vắc – xin đậu dê sẽ được dùng để phòng bệnh viêm da nổi cục cho đàn gia súc trên địa bàn.

Nhờ tích cực thực hiện nhiều biện pháp, đến thời điểm này, đã có 88 con trâu, bò đã khỏi triệu chứng bệnh viêm da nổi cục. Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết thêm: Hiện nay, dịch bệnh trên đàn gia súc vẫn có thể lây lan ra các địa bàn tiếp giáp với các xã đã có dịch. Vì vậy, thời gian tới, chi cục tiếp tục theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh. Đồng thời, khuyến cáo các hộ chăn nuôi không chủ quan, chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch và kịp thời báo cơ quan chức năng nếu phát hiện triệu chứng bất thường trên đàn gia súc.

Bên cạnh việc cấp hoá chất để phun tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã phối hợp các huyện, thành phố tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết “5 không” trong phòng chống dịch bệnh (không giấu dịch bệnh; không bán chạy gia súc, gia cầm bị bệnh; không vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm bị bệnh; không ăn thịt gia súc, gia cầm ốm, chết hoặc không rõ nguồn gốc; không vứt xác gia súc, gia cầm ốm, chết ra ngoài môi trường xung quanh).
THÙY DUNG