Thứ sáu,  20/09/2024

Tái đàn lợn sau dịch: Kinh nghiệm từ trang trại chăn nuôi ở Lân Bông

(LSO) – Nhờ cách làm khoa học, xử lý triệt để mầm bệnh sau dịch tả lợn châu Phi và chủ động phòng bệnh tái phát, gia đình anh Lương Văn Thương, thôn Lân Bông, thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng đã tái đàn lợn thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Từ năm 2014, gia đình anh Lương Văn Thương đã phát triển mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học với quy mô từ 40 đến 50 con/lứa. Số lượng đàn ngày một tăng nên gia đình anh mở rộng thành 3 trại nuôi lợn. Đến năm 2017, anh tiếp tục tăng đàn lên 1.000 đến 1.500 con/lứa, chi phí đầu tư lên gần 3 tỷ đồng.

Năm 2019, khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại huyện Chi Lăng khiến lợn chết hàng loạt. Gia đình anh Thương cũng nằm trong số đó, hơn 2/3 số lợn trong trang trại của anh chết do nhiễm dịch, thiệt hại kinh tế lên đến hơn 2 tỷ đồng. Anh Thương chia sẻ: “Cũng may tôi xây các trại lợn cách nhau khoảng 500 m nên vẫn còn 30 con lợn nái không bị nhiễm bệnh”.

Ông Lương Văn Thương chăm sóc đàn lợn

Đến đầu năm 2020, nhận thấy tình hình dịch, bệnh có chiều hướng giảm dần, anh Thương quyết tâm tái đàn. Để làm được điều đó, anh vay vốn ngân hàng và người thân mua các thiết bị khử trùng, chuẩn bị vật tư cho chăn nuôi. Hiện nay, gia đình anh Thương đã tái đàn được gần 700 con bao gồm cả lợn nái và lợn thịt, vừa qua đã cho xuất chuồng gần 300 con đem lại thu nhập khoảng 800 triệu đồng. Chia sẻ bí quyết tái đàn sau dịch, anh Thương cho biết: Điều quan trọng nhất nằm ở khâu xử lý chuồng trại và chăm sóc sau dịch. Đối với khu vực bên ngoài cứ 2 – 3 ngày là thực hiện phun khử trùng, rắc vôi bột, căng lưới đuổi muỗi. Đồng thời, rắc vôi tôi vào hệ thống xử lý chất thải, rãnh mương. Đối với khu vực bên trong chuồng trại cần vệ sinh sạch sẽ vách ngăn, máng ăn uống cho lợn, sau đó, dùng nước vôi tưới lên bề mặt sàn và tường. Bước tiếp theo là dùng lửa bình ga cỡ lớn khò kĩ ở nhiệt độ cao toàn bộ nền và tường. Với tổng diện tích trang trại hơn 3.000 m2, tôi phải khò gần nửa tháng, một tuần sau đó lại tiến hành rửa nền bằng nước vôi và muối, 7 ngày sau tiếp tục ủ thuốc khử trùng chờ đủ 3 ngày thì rửa sạch sẽ chuồng trại mới tiến hành chăn nuôi.

Đối với khâu chăm sóc đàn lợn ngoài tiêm, trộn kháng sinh anh còn bổ sung thêm các vitamin, khoáng chất thiết yếu để tăng sức đề kháng cho đàn lợn. Ngoài ra, khâu kiểm soát ra vào chuồng trại được thực hiện cẩn trọng. Anh Thương chia sẻ: “Người lạ tuyệt đối không được ra vào chuồng để đảm bảo không có nguồn lây từ ngoài vào. Tất cả người và phương tiện vận chuyển khi ra vào trại đều phải đi qua hố khử trùng và phun thuốc sát trùng. Trong suốt thời gian xảy ra dịch bệnh, tôi không nhập con giống từ nơi khác”.

 Nhờ cách chăm sóc tỉ mỉ và khoa học, hiện trang trại của gia đình anh Thương phát triển bình thường, số lượng lợn giống xuất chuồng khoảng 50 con/tháng. Anh Thương dự tính năm 2021 sẽ phấn đấu xuất khoảng 100 con/tháng để có thể cung cấp con giống cho bà con nuôi lợn trong vùng.

Ông Vũ Văn Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Chi Lăng cho biết: Với cách làm sáng tạo, anh Lương Văn Thương đã xử lý thành công chuồng trại để tái đàn. Mô hình của anh hiện là mô hình duy nhất chăn nuôi lợn với số lượng lớn trên địa bàn thị trấn, cung cấp lợn giống cũng như lợn thịt cho thị trường. Hiện chúng tôi đã tuyên truyền đến các hội viên nông dân đến học tập kinh nghiệp từ mô hình nếu dự định đầu tư phát triển chăn nuôi lợn, xử lý chuồng trại sau khi bị dịch tả lợn châu Phi.

MAI LINH