Thứ sáu,  20/09/2024

Thực hiện Nghị quyết 13 về kinh tế tập thể: Bước chuyển của hợp tác xã nông nghiệp

Kiểm tra lồng bè nuôi cá tại HTX thủy sản Lê Hồng Phong

– Sau 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT), các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển mình mạnh mẽ cả về số lượng cũng như chất lượng hoạt động.

   Hoạt động kém hiệu quả

Thời điểm năm 2002, lĩnh vực KTTT, HTX nói chung, trong đó có các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Là người có nhiều năm gắn bó với lĩnh vực KTTT, HTX, ông Hoàng Văn Sóng, nguyên Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh (giai đoạn 2011-2017) chia sẻ: Từng có giai đoạn, các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển khá mạnh, HTX nông nghiệp có mặt ở nhiều nơi, thậm chí có những HTX toàn xã (cả xã tham gia vào HTX). Tuy nhiên, sau một số lần chuyển đổi, đến năm 2002, số lượng HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn rất ít, hoạt động manh mún, nhỏ lẻ, nhiều HTX tồn tại hình thức, trình độ quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất kinh doanh yếu, có nơi, người dân chưa có sự tin tưởng vảo mô hình kinh tế HTX dẫn đến việc phát triển các HTX nói chung, trong đó có các HTX nông nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, đến cuối năm 2001, trên địa bàn tỉnh có 25 HTX nông nghiệp với tổng số 320 thành viên, 1.250 lao động với tổng số vốn điều lệ 1,4 tỷ đồng; doanh thu bình quân mỗi HTX chỉ đạt 100 triệu đồng/năm; thu nhập của thành viên, người lao động trong HTX đạt 4 triệu đồng/người/năm. Các HTX nông nghiệp thời điểm này hoạt động mờ nhạt, không tạo ra được sự chuyển biến rõ nét so với các loại hình kinh tế khác.

   Đưa nghị quyết vào thực tiễn

Trước thực trạng đó, sau khi Nghị quyết 13 được ban hành, tỉnh đã khẩn trương ban hành chương trình hành động để thực hiện nghị quyết; thành lập ban chỉ đạo đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT cấp tỉnh, huyện; ban hành các nghị quyết để lãnh đạo triển khai thực hiện, trong đó, có nghị quyết chuyên đề có nội dung hỗ trợ phát triển KTTT, HTX như: Nghị quyết số 21/2016/NQ-HĐND ngày 09/12/2016 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2017 – 2020; Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư phát triển hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020 – 2025; Nghị quyết số 15/2021/NQ-HĐND ngày 17/7/2021 của HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 08 cùng một số chính sách có các nội dung liên quan đến hỗ trợ các HTX về đất đai, hỗ trợ vay vốn, tiếp cận khoa học công nghệ…

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, học tập, quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết. Từ tỉnh đến các huyện, thành phố đã tổ chức hội nghị học tập, quán triệt nghị quyết đến cán bộ, đảng viên và tuyên truyền đến Nhân dân bằng nhiều hình thức, biện pháp phù hợp. Ngoài việc tuyên truyền các nội dung Nghị quyết, các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố còn tuyên truyền về Luật HTX và các văn bản hướng dân, các mô hình HTX hoạt động hiệu quả, những địa bàn thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT… Qua đó, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể, đảng viên, cán bộ, công chức và Nhân dân về KTTT đã có những chuyển biến tích cực; các HTX, thành viên và người lao động đã từng bước nhận thức rõ hơn về lợi ích mà HTX đem lại…

Bên cạnh từng bước nâng cao nhận thức về KTTT, HTX, để phát triển các HTX nông nghiệp, việc triển khai các chính sách hỗ trợ được các cấp, ngành quan tâm triển khai thực hiện. Ông Lý Việt Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để góp phần đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, bên cạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ, phát triển mới các HTX, ngành chức năng đã phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về vốn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tìm kiếm thị trường, tiếp cận các chương trình, dự án phát triển sản xuất…

Cụ thể, từ năm 2002 đến nay, toàn tỉnh đã tập huấn, bồi dưỡng cho hơn 12.000 lượt cán bộ, thành viên và người lao động trong HTX; hỗ trợ 23 trí thức trẻ có trình độ từ cao đẳng trở lên về làm việc tại các HTX nông nghiệp; hỗ trợ 20 HTX nông nghiệp vay vốn từ quỹ hỗ trợ phát triển HTX với số tiền 5,5 tỷ đồng; hỗ trợ 10 HTX xây dựng hạ tầng với kinh phí gần 20 tỷ đồng; hỗ trợ 63 HTX tham gia vào các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế – xã hội với kinh phí trên 3 tỷ đồng; bình quân mỗi năm, hỗ trợ  từ 5 đến 10 HTX xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; tổ chức trên 60 lớp tuyên truyền, hướng dẫn thành lập mới HTX; hỗ trợ 45 HTX thành lập mới với số tiền 650 triệu đồng…

   Chuyển biến rõ nét

Từ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp, các ngành và sự nỗ lực vượt khó vươn lên của mình, các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những bước chuyển mình rõ nét. Ông Dương Hữu Chức, Giám đốc HTX thủy sản Lê Hồng Phong, huyện Bắc Sơn cho biết: Được thành lập từ năm 2010, HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, những năm đầu hoạt động, do thiếu vốn, ít kinh nghiệm, chưa có phương án sản xuất kinh doanh phù hợp nên hiệu quả hoạt động của HTX thấp, doanh thu chưa đến 100 triệu đồng/năm, trừ chi phí không có lãi. Từ năm 2017 trở lại đây, bên cạnh việc phát huy nội lực, HTX được Nhà nước hỗ trợ trí thức trẻ về làm việc, hỗ trợ thêm vật tư, con giống, quảng bá thương hiệu… Qua đó, đến nay, HTX đã xây dựng cho mình mô hình nuôi cá lồng hiệu quả. Nếu như năm 2014, HTX mới có 9 lồng cá thì hiện nay HTX có 40 lồng. Khoảng 3 năm trở lại đây, doanh thu bình quân của HTX đạt khoảng 2 tỷ đồng/năm, thu nhập của thành viên và người lao động trong HTX đạt 6 triệu đồng/người/tháng.

Cùng với HTX thủy sản Lê Hồng Phong, trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều HTX nông nghiệp mới được thành lập và đã từng bước phát triển ổn định. Dự kiến hết năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 290 HTX nông nghiệp, tăng 265 HTX so với cuối năm 2001; tổng số thành viên trong HTX là 4.150 thành viên; tổng số vốn điều lệ của các HTX nông nghiệp là 530 tỷ đồng, tăng 528,6 tỷ đồng so với cuối năm 2001. Không chỉ tăng mạnh về số lượng mà chất lượng hoạt động của các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng được nâng lên rõ rệt. Doanh thu bình quân của HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đến nay đạt 530 triệu đồng/HTX/năm, tăng 430 triệu đồng/HTX/năm so với năm 2001; thu nhập bình quân người lao động trong HTX đạt 36 triệu đồng/người/năm, tăng 32 triệu đồng/người/năm so với năm 2001.

Sau 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 13, các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên trên thực tế, hoạt động của một số HTX nông nghiệp còn lỏng lẻo, chưa phát huy hiệu quả rõ nét. Chính vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực của các HTX, các cấp, các ngành cần tiếp tục có sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để đồng hành cùng các HTX nông nghiệp tiếp tục vươn lên phát triển


Liên kết để phát triển

– Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, việc liên kết giữa HTX với doanh nghiệp, HTX với HTX hay HTX với thành viên đóng vai trò rất quan trọng.

Ông Nguyễn Ngọc Khương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đại Nguyễn, thành phố Lạng Sơn: “Liên kết để HTX yên tâm tập trung sản xuất”.

Thực tế cho thấy, nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có những lợi thế về đất đai, nhân công lao động, tuy nhiên, các HTX lại thiếu vốn, khó khăn trong việc áp dụng khoa học công nghệ, thị trường tiêu thụ… Những thứ HTX yếu và thiếu thì phía công ty lại có. Chính vì vậy, từ năm 2017 đến nay, công ty đã thực hiện liên kết sản xuất một số loại rau, củ với 12 HTX nông nghiệp trên địa bàn các huyện: Cao Lộc, Chi Lăng, Lộc Bình, Tràng Định, Bắc Sơn, Hữu Lũng. Khi tham gia vào liên kết, HTX chỉ cần chuyên tâm tập trung khâu sản xuất. Còn khâu chuẩn bị vật tư, khoa học kỹ thuật, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm phía công ty sẽ lo hết. Liên kết chặt chẽ, khoa học góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các HTX. Cụ thể, từ khi công ty tham gia liên kết với các HTX, các HTX không chỉ yên tâm hoàn toàn về đầu ra cho sản phẩm mà doanh thu bình quân của các HTX tăng từ 15-20% so với khi chưa thực hiện liên kết.

Ông Hoàng Văn Hải, Giám đốc HTX Nông sản sạch Tràng Định: “Tăng cường liên kết trong khâu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm”.

Một trong những khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chính là khâu tiêu thụ sản phẩm. Chính vì vậy, từ năm 2018 đến nay, HTX đã chủ động liên kết với 20 HTX nông nghiệp khác trên địa bàn tỉnh để giới thiệu, bán sản phầm tại cửa hàng ở trung tâm thành phố Lạng Sơn, đồng thời, đưa sản phẩm của các HTX đi quảng bá, giới thiệu tại các hội chợ cả trong và ngoài tỉnh. Gần 2 năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, HTX đã linh hoạt kết nối với các HTX khác qua mạng xã hội cũng như kết nối với Liên hiệp HTX tiêu dùng Việt Nam để tiếp tục quảng bá, giới thiệu nông sản của các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đến các nơi. Thông qua việc liên kết để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, bản thân HTX cũng như nhiều HTX khác đã có thêm những mối tiêu thụ sản phẩm ổn định, bền vững hơn, qua đó góp phần vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX. Doanh thu của HTX tăng đều qua từng năm. Nếu như năm 2017, HTX chưa có doanh thu thì đến năm 2018, doanh thu của HTX đạt khoảng 1 tỷ đồng và từ năm 2019 đến nay, doanh thu ước đạt khoảng 2 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân của thành viên và người lao động trong HTX đạt trên 5 triệu đồng/người/tháng, tăng 2 triệu đồng/người/tháng so với năm 2018.

TÂN AN