Thứ bảy,  14/09/2024

Đẩy mạnh chăm sóc cây ăn quả sau thu hoạch

– Những năm qua, người dân trên địa bàn tỉnh đã tập trung phát triển các loại cây ăn quả đem lại hiệu quả kinh tế cao. Thời điểm này, các nhà vườn đang tập trung chăm sóc các loại cây ăn quả sau thu hoạch nhằm phục hồi, nâng cao tỷ lệ ra hoa, đậu quả, hướng tới mùa vụ tiếp theo.

Gia đình ông Hoàng Văn Hưng, xã Hoàng Việt, huyện Văn Lãng có 2 ha hồng, vụ hồng năm 2021, sản lượng đạt 10 tấn quả, thu nhập 150 triệu đồng. Tháng 12 âm lịch, gia đình ông đã thu hoạch hết quả. Để vườn cây tiếp tục sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng cao vụ quả tiếp theo, ông tập trung cắt tỉa cành, vun xới đất xung quanh gốc và bón phân.

Người dân thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn chăm sóc cây ăn quả sau thu hoạch

Ông Hưng cho biết: Việc chăm sóc cây sau vụ thu hoạch sẽ quyết định đến năng suất, chất lượng hồng của vụ tiếp theo. Do đó, gia đình đang tập trung nhân lực, tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi thực hiện các biện pháp chăm sóc, trong đó, chú trọng việc bón phân kết hợp các loại phân hữu cơ và phân vô cơ, phun phòng các loại sâu bệnh. Hiện nay, vườn hồng phục hồi tốt, đang ra lộc và chuẩn bị nở hoa, không có hiện tượng sâu bệnh.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Văn Lãng có 4.600 ha cây ăn quả các loại như: hồng vành khuyên, cây có múi, chuối… tập trung tại các xã: Hoàng Việt, Hoàng Văn Thụ, Tân Mỹ, Thanh Long. Trong đó, riêng hồng vành khuyên có 1.400 ha, năm 2021, sản lượng đạt 6.000 tấn, giá trị đạt trên 96 tỷ đồng. Thời điểm này, bà con trên địa bàn đã thu hái hết quả, bước vào giai đoạn tích cực chăm sóc.

Ông Đinh Long Xuyên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Sau một vụ nuôi quả, cây gần như kiệt quệ nên sau vụ thu hoạch cần nhanh chóng giúp cây phục hồi như: tỉa cành, tạo tán, bón phân để nâng cao năng suất, chất lượng vụ sau. Hiện nay, phòng đã cử cán bộ chuyên môn phụ trách bám nắm cơ sở để kịp thời hỗ trợ người dân về kỹ thuật chuyên môn trong chăm sóc cây ăn quả sau thu hoạch. Thời gian tới, phòng dự kiến phối hợp với UBND các xã tổ chức tập huấn cho người dân kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả, phòng trừ bệnh hại nhằm tăng năng suất cây trồng.

Không chỉ tại Văn Lãng, hiện nay, người dân trên địa bàn huyện Chi Lăng cũng tập trung chăm sóc, theo dõi phòng trừ dịch bệnh kịp thời cho cây ăn quả. Ông Phan Tiến Dũng, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng cho biết: Gia đình tôi có 3 ha bưởi, trung bình mỗi năm, vườn bưởi cho thu hoạch trên 20 tấn quả. Theo chu kỳ, đến cuối tháng 12 âm lịch, bưởi thu hoạch xong, tôi bắt đầu cắt tỉa cành, tạo tán, cuốc xới cỏ và phun thuốc phòng trừ bệnh. Sau khi cuốc xới được khoảng 15 ngày, tôi bắt đầu bón lón phân, đối với cây từ 5 đến 7 tuổi, mỗi cây khoảng 3 kg và phun thuốc trừ bệnh cho cây trước khi hoa nở rộ vào tháng 2 âm lịch. Thời điểm này, bưởi đang ra hoa, tôi tranh thủ thụ phấn và theo dõi để kịp thời phòng trừ các loại sâu bệnh.

Trên địa bàn huyện Chi Lăng hiện có trên 4.000 ha cây ăn quả. Trong đó, một số cây chủ lực như: na trên 2.000 ha, sản lượng đạt 19.000 tấn, giá trị đạt 750 tỷ đồng, mang lại thu nhập ổn định cho 3.500 hộ; cây có múi 535 ha, sản lượng trên 2.300 tấn, giá trị đạt trên 50 tỷ đồng…. Ngay sau khi thu hoạch, các hộ dân trồng cây ăn quả đã chủ động cắt tỉa cành, dọn vườn để hạn chế sâu bệnh. Đồng thời, ra xuân, người dân đẩy mạnh bón phân theo đúng liều lượng, đảm bảo chất dinh dưỡng cho cây trồng. Nhờ đó, các vườn cây ăn quả phát triển tốt, đảm bảo cho mùa vụ sắp tới.

Ngoài hai huyện trên, người dân trong tỉnh đều quan tâm, chú trọng chăm sóc các loại cây ăn quả phục vụ mùa vụ mới. Hiện toàn tỉnh có trên 16.900 ha cây ăn quả được trồng khắp các huyện, thành phố, tập trung nhiều ở các huyện: Chi Lăng, Hữu Lũng, Bắc Sơn, Tràng Định, Văn Lãng, trở thành cây trồng chủ lực, giúp người dân phát triển kinh tế. Trong đó, diện tích cây na 4.065 ha; cây quýt 1.557 ha; cây nhãn 1.105 ha… Hiện nay, các nhà vườn đang tích cực bắt tay vào việc chăm sóc, tưới bón cho vườn cây ăn quả nhằm hướng tới mùa vụ đạt năng suất, chất lượng cao.

Bà Nguyễn Thị Huế, Phó trưởng Phòng Trồng trọt, Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Sau thời kỳ mang quả, cây thường bị suy yếu cần được chăm sóc đúng cách để cây mau hồi phục, chuẩn bị cho vụ tiếp theo đạt kết quả tốt. Do vậy, bà con cần chú ý tiến hành cắt tỉa các cành bị sâu bệnh, cành yếu, cành nằm bên trong tán không có khả năng mang quả, cành vượt; làm sạch cỏ quanh gốc để hạn chế việc cạnh tranh nước và mất dinh dưỡng, tiến hành quét vôi vùng thân gốc cây để hạn chế sâu bệnh hại, chủ động tưới nước cho vườn cây khi khô hạn. Đồng thời, tăng cường vun xới đất, bón phân cân đối, bón bổ sung phân chuồng để cải tạo đất và bổ sung nguồn dinh dưỡng cho cây.

HỒ DUNG