Thứ sáu,  20/09/2024

Trường Cao đẳng nghề Công nghệ và Nông lâm Đông Bắc: Nâng cao chất lượng lao động, góp sức xây dựng nông thôn mới

LSO- Các sinh viên của Trường Cao đẳng nghề Công nghệ và Nông lâm Đông Bắc (thôn Bến Lường, xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng) hầu hết là con em miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn. Với những khoa đặc thù như chế biến gỗ, nông lâm, cơ khí động lực, xe – máy... nhà trường đã đào tạo khoảng 2.000 sinh viên mỗi năm, đây là nguồn lực có trình độ, góp phần quan trọng trong nâng cao chất lượng, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn, xây dựng nông thôn mới.

Mới đầu giờ chiều, xưởng mộc của khoa Chế biến gỗ đã vang lên những tiếng cưa, xẻ, đục, đẽo. Đây là thời gian mà khoa đang dành hết tâm, sức tập trung luyện tay nghề cho 4 thí sinh sẽ đại diện cho Quốc gia tham dự kỳ thi nghề ASEAN sắp tới. Trần Văn Huân, sinh viên năm cuối, là một trong những thí sinh xuất sắc đại diện của đoàn Lạng Sơn đã đạt huy chương vàng trong kỳ thi nghề Quốc gia vừa qua sẽ là 1 trong 4 sinh viên của trường tham dự kỳ thi nghề ASEAN. Vừa cẩn thận ráp những chi tiết cuối cùng để hoàn thiện ngăn tủ gỗ theo bản vẽ thiết kế, Huân chia sẻ: đây là đề thi của kỳ thi nghề ASEAN đợt trước, chúng em mang ra để luyện thi.

 

Sinh viên Trường Cao đẳng nghề Công nghệ và Nông lâm Đông Bắc luyện kỹ năng môn mộc dân dụng

Nhìn hộp tủ vuông vắn, hoàn thiện, thầy Trần Văn Hân, Trưởng khoa Chế biến gỗ vui vẻ: đây là đề thi rất khó, sản phẩm không cho phép dùng đinh, tất cả chi là gép mộng, mối ghép phải mịn, khít như liền khối, sinh viên hoàn thiện được sản phẩm là điều rất đáng mừng.

Thầy Hân lý giải: cái mừng nhất ở đây không phải là các em đạt giải gì ở kỳ thi nghề, mà là các em đã nâng cao, khẳng định được tay nghề của mình. Với tỉnh miền núi như Lạng Sơn, muốn nâng cao được hiệu quả kinh tế lâm nghiệp thì những người thợ chế biến gỗ, mộc mĩ nghệ, dân dụng được đào tạo bài bản, tay nghề vững là một trong những nhân tố quan trọng.

Mỗi năm khoa Chế biến đào tạo khoảng 400 sinh viên, hơn ½ trong số đó là sinh viên người Lạng Sơn. Các sinh viên sau khi ra trường, nếu có nguyện vọng đều được nhà trường giới thiệu đến làm việc tại các cơ sở, nhà máy chế biến gỗ trong và ngoài địa bàn. Số còn lại trở về quê với tiềm năng sẵn có về đồi rừng mở xưởng chế biến, đóng đồ mộc.

Sinh ra, lớn lên tại vùng đất nghèo Trung Thượng, xã Hòa Bình, huyện Văn Quan, chị Hoàng Thị Mai đã thử xoay sở với rất nhiều mô hình phát triển kinh tế, nhưng chưa mấy thành công. Chị Mai tâm sự: cái thiếu, cái yếu của bà con mình là khoa học kỹ thuật, muốn làm gì bây giờ cũng phải có kiến thức. Với suy nghĩ ấy, chị đã quyết tâm học lớp trung cấp Thú y tại trường Cao đẳng nghề Công nghệ và Nông lâm Đông Bắc.

Nhập học được hơn 1 năm, chị Mai đã tiếp cận được với rất nhiều kiến thức mới và mô hình hay. Chị chia sẻ: ước mơ cháy bỏng của mình sau khi học xong là mở trang trại chăn nuôi. Với vai trò là Bí thư Chi bộ thôn, chị Mai luôn khao khát tạo ra những bước chuyển biến mới, hướng đi mới cho bà con trong thôn, từ đó tạo nguồn lực để xây dựng nông thôn mới.

Trao đổi với chúng tôi, thầy Hoàng Văn Chiều, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: mỗi năm có khoảng 2.000 sinh viên ra trường, trong đó gần ½ là người Lạng Sơn, nhà trường luôn cố gắng cao nhất để liên hệ, tạo việc làm hoặc định hướng phát triển cho mỗi sinh viên. Ngoài ra hàng năm, nhà trường còn phối hợp với Trung tâm giáo dục thường xuyên của các huyện trên địa bàn tỉnh dạy nghề cho học sinh. Đồng thời phối hợp với các đơn vị hữu quan khác đến tận các thôn bản để mở lớp dạy nghề tại chỗ.

Bà Trần Nhàn, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn cho biết: hàng năm Chi cục đều phối hợp với trường Cao đẳng nghề Công nghệ và Nông lâm Đông Bắc mở trung bình 10 lớp dạy nghề cho khoảng 300 học viên. Hầu hết các học viên sau khi học nghề đều đã tự phát triển mô hình kinh tế gia đình dựa trên tư liệu sản xuất sẵn có của gia đình.

Đào tạo nghề, nâng cao chất lượng cho lao động nông thôn là một trong những giải pháp quan trọng để xây dựng thành công nông thôn mới. Hiện nay công tác đào tạo nghề tiếp tục được các cấp, ngành hữu quan quan tâm triển khai thực hiện, trong đó trường Cao đẳng nghề Công nghệ và Nông lâm Đông Bắc là một trong những “địa chỉ đỏ” cho lao động nông thôn.

Bài, ảnh: VŨ NHƯ PHONG