Thứ sáu,  20/09/2024
Phát triển giao thông nông thôn:

Dân làm dân hưởng

LSO-Trong giai đoạn 2010-2014, tổng các nguồn vốn huy động để thực hiện chương trình phát triển đường giao thông trục xã, trục thôn và ngõ xóm trên địa bàn tỉnh đạt gần 570 tỷ đồng. Trong đó, nhà nước hỗ trợ bằng xi măng, ống cống, dầm thép và các vật liệu khác trị giá 249 tỷ đồng, còn lại là nguồn nhân dân đóng góp bằng tiền mặt, khai thác cát sỏi thành tiền là hơn 320 tỷ đồng.
Nhân dân xã Xuân Mãn, huyện Lộc Bình làm đường bê tông nông thôn

ĐA DẠNG HỖ TRỢ VẬT TƯ

Trong giai đoạn 2006-2010, phong trào bê tông hóa đường giao thông nông thôn tại các thôn, bản thường nhận được nguồn hỗ trợ từ nhà nước bằng xi măng nhưng khối lượng cũng rất hạn chế. Bình quân mỗi năm toàn tỉnh hỗ trợ cơ sở khoảng từ 8 nghìn đến 10 nghìn tấn/năm, về hỗ trợ vật tư khác rất hạn chế và hầu như không có. Bước sang giai đoạn 2010-2014, việc hỗ trợ bằng xi măng được thực hiện linh hoạt hơn theo hướng phân bổ kinh phí trực tiếp theo Nghị quyết 54 của HĐND tỉnh. Ngoài ra, UBND tỉnh còn dự phòng kinh phí và tiếp tục hỗ trợ các đơn vị có phong trào làm tốt, Sở Giao thông Vận tải và UBND các huyện còn hỗ trợ các vật liệu chủ chốt như rầm thép, ống cống các loại, kỹ thuật xây dựng để các thôn bản làm đường, làm cầu bảo đảm chất lượng.

Theo số liệu của Sở Giao thông Vận tải trong giai đoạn 2010-2014, tỉnh đã hỗ trợ các địa phương 130 nghìn tấn xi măng cho các huyện, thành phố thực hiện phong trào bê tông hóa các tuyến đường giao thông. Đối với các loại vật tư khác, tỉnh cũng đã hỗ trợ gần 13 nghìn mét dài ống cống các loại và 1.600 tấn thép các loại để nhân dân làm đường, cầu bê tông tại các thôn bản. Riêng nguồn xi măng, vật tư khác để hỗ trợ các xã bê tông hóa giao thông đã tăng gấp đôi so với giai đoạn 2006-2010. Nếu như năm 2010 số xi măng tỉnh hỗ trợ cho các huyện chỉ vỏn vẹn hơn 8.000 tấn thì bước sang năm 2011 và 2012 số xi măng tỉnh hỗ trợ đã tăng tới trên 23 nghìn tấn/năm, đặc biệt trong năm 2014, tỉnh đã hỗ trợ xi măng làm đường cho các huyện, thành phố đạt tới gần 38 nghìn tấn.

HIỆU QUẢ CƠ CHẾ “NHÀ NƯỚC HỖ TRỢ NHÂN DÂN CÙNG LÀM”

Trong giai đoạn 2010-2014, phong trào bê tông hóa đường giao thông nông thôn tại các thôn bản theo cơ chế “Nhà nước hỗ trợ nhân dân cùng làm” khởi sắc nhất từ trước đến nay. Toàn tỉnh đã bê tông đường thôn bản được tổng cộng 1.165 km đường các loại, bình quân mỗi năm thực hiện 233 km/năm, vượt xa so với Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra (Nghị quyết 15 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặt mục tiêu giai đoạn 2011-2015 mỗi năm làm 150 km đường bê tông nông thôn). Không chỉ các công trình đường giao thông, giai đoạn này các thôn bản toàn tỉnh còn làm được nhiều cầu với tổng chiều dài 3,5 km phục vụ đi lại, sản xuất của bà con. Bên cạnh đó, nguồn lực từ nhân dân đóng góp bằng tiền mặt, bằng thóc và ngày công để khai thác vật liệu, làm đường rất lớn. Riêng việc huy động từ nhân dân bằng tiền mặt và bằng thóc để mua vật liệu làm đường đạt 120 tỷ đồng trong giai đoạn 2010-2014.  Đặc biệt trong giai đoạn này, phong trào hiến đất làm đường theo tiêu chuẩn nông thôn mới đã phát triển sâu và rộng khắp. Tại các thôn bản, bà con đã hiến tới gần 1,3 triệu m2 đất. Các huyện có phong trào hiến đất, làm tốt phong trào bê tông hóa phải kể tới Hữu Lũng, Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Lộc Bình, Chi Lăng. Trên địa bàn tỉnh có hàng trăm thôn đã huy động hiệu quả nguồn lực cho chương trình điển hình như: Hồng Châu xã Cai Kinh, Chín Tư, xã Hòa Lạc (Hữu Lũng); thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng (huyện Chi Lăng); thôn Vĩnh Quang, xã Hoa Thám (Bình Gia); thôn Bản Quấn, xã Tú Đoạn (Lộc Bình); thôn Hồng Phong 1, xã Chiến Thắng (Bắc Sơn)… Huy động tốt nội lực để phát triển giao thông đã tạo đà phát triển kinh tế – xã hội ở khu vực nông thôn Xứ Lạng, thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới.

CÔNG QUÂN