Thứ sáu,  20/09/2024

Người cán bộ y tế gương mẫu

LSO-Gương mặt hiền lành, chất phác, toát lên sự cần mẫn và tận tình trong công việc. Đó là chị Hoàng Thị Đại, cán bộ Trạm y tế xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc. Với bản tính sạch sẽ, sợ bẩn và rất sợ máu nên nghề y không phải là nghề nghiệp được chị lựa chọn khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nhưng được mẹ động viên nên học nghề chữa bệnh để phục vụ bản thân và gia đình sau này, nghe lời mẹ chị Đại quyết tâm theo học khoa điều dưỡng tại trường Trung học y tế Lạng Sơn. Những ngày đầu thực tập chị không thể nén được cảm giác ghê sợ khi phải tiếp xúc với dịch bẩn, với máu của bệnh nhân, ngày đầu tiên thực tập được tham gia ca mổ u xơ tử cung, nhìn thấy máu chị đã bị choáng, phải rất nhiều lần thực tập sau đó chị mới quen, chị bảo bây giờ tiếp xúc nhiều thì thấy bình thường rồi, chứ nghĩ lúc đó khó thì không thấy khó nhưng vẫn sợ lắm. Tại trạm y tế Yên Trạch, chị Đại phụ trách công tác quản...

LSO-Gương mặt hiền lành, chất phác, toát lên sự cần mẫn và tận tình trong công việc. Đó là chị Hoàng Thị Đại, cán bộ Trạm y tế xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc.
Với bản tính sạch sẽ, sợ bẩn và rất sợ máu nên nghề y không phải là nghề nghiệp được chị lựa chọn khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nhưng được mẹ động viên nên học nghề chữa bệnh để phục vụ bản thân và gia đình sau này, nghe lời mẹ chị Đại quyết tâm theo học khoa điều dưỡng tại trường Trung học y tế Lạng Sơn. Những ngày đầu thực tập chị không thể nén được cảm giác ghê sợ khi phải tiếp xúc với dịch bẩn, với máu của bệnh nhân, ngày đầu tiên thực tập được tham gia ca mổ u xơ tử cung, nhìn thấy máu chị đã bị choáng, phải rất nhiều lần thực tập sau đó chị mới quen, chị bảo bây giờ tiếp xúc nhiều thì thấy bình thường rồi, chứ nghĩ lúc đó khó thì không thấy khó nhưng vẫn sợ lắm.
Tại trạm y tế Yên Trạch, chị Đại phụ trách công tác quản lý dược và mảng HIV/AIDS trên địa bàn. Xung quanh khu ga Yên Trạch là nơi diễn ra không ít tệ nạn xã hội, chủ yếu là nghiện chích do vậy mà công tác phòng chống HIV đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa UBND, Trung tâm y tế huyện Cao Lộc, các trạm y tế xung quanh đó, nhiệm vụ của chị Đại là đến nhà người có HIV để tuyên truyền, vận động người nhà bệnh nhân biết cách phòng tránh lây truyền từ người bệnh. Trên địa bàn xã Yên Trạch có 7 người có HIV thì đã tử vong 6, còn lại 1 bệnh nhân đang được điều trị ARV. Do mặc cảm nên nhiều gia đình đã gây không ít khó khăn cho chị và các cán bộ đến tuyên truyền. Có lúc chị còn phải vận động cả đến người thân quen của gia đình người có HIV để tiếp cận, để từ đó lần sau chị có thể đi một mình. Ở gần nhà chị cũng có một người nghiện chích có HIV, anh ta suốt ngày gây gổ với vợ con khi không xin được tiền, hôm đó hai vợ chồng xô xát người chồng bị dao cứa rách bàn tay, nhìn thấy máu chảy nhiều, chị Đại không kịp mang găng tay vội vàng ra băng bó sơ cứu, không may là sau đó chị phát hiện ra tay mình cũng bị xước một vệt dài, máu của người bệnh bê bết ra khắp bàn tay chị. Về nhà chị không dám nói gì với chồng con sợ gia đình lo lắng, rất may mà sau đó xét nghiệm lại chị không bị sao.
Chị Đại tâm sự: “May mà bây giờ phương tiện thông tin đại chúng phát triển, người dân cũng hiểu ra nhiều rồi. Ngay như trình độ dân trí cũng ảnh hưởng nhiều lắm, cách đây mấy năm, mà thậm chí cả bây giờ cũng vẫn có những gia đình dùng việc cúng bái để chữa bệnh. Chị nhớ năm ngoái có một ca loét dạ dày, đáng lẽ ra phải cấp cứu để đi bệnh viện nhưng gia đình người bệnh lại mang thầy về cúng, về sau vẫn không đỡ nên mới mang đi bệnh viện mổ cấp cứu ngay. Có trường hợp đau ruột thừa cũng mời thầy về đốt hương cúng bái, trạm xá cho cán bộ đến vận động, giải thích rất nhiều và mất thời gian người nhà mới đồng ý cho bệnh nhân vào bệnh viện. Lại có trường hợp viêm họng, lên sởi sốt cao, người đến thăm mỗi người một ý kiến, cho rằng bệnh nhân bị “ma nhà bếp làm nóng nên người nó mới nóng thế này” người nhà vừa làm lễ cúng đồng thời cũng lại mời cán bộ trạm đến tiêm, cho nên mới có cảnh tức cười là vừa tiêm vừa cúng bái. Bây giờ thì các cán bộ trạm đỡ vất vả hơn ngày trước về khâu vận động bà con đi chữa bệnh, hoặc mang con đi tiêm chủng, cứ đến ngày là người dân lại bế con, cháu lên trạm để tiêm. Mỗi lần tiêm mũi lao cho các cháu, chị Đại đều phải giải thích và nhắc nhở trước với người nhà rằng đây là mũi tiêm gây sốt và sẽ mưng mủ, hầu như mũi tiêm nào cũng có phản ứng, các cháu về đêm sẽ bị sốt hay quấy khóc… tuy nhiên mấy năm về trước, cứ kỳ tiêm chủng đến là đêm nào chị cũng bị gọi dậy mấy lần để trả lời thắc mắc tại sao các bé tiêm vào lại khóc quấy thế!

Hầu như ai cũng có nhiều khó khăn khi nói về công việc của mình, riêng chị Hoàng Thị Đại thì vẫn bằng lòng mà không cảm thấy điều gì vướng mắc, đối với chị công việc cũng thật đơn giản nhẹ nhàng. Bản thân chị không ao ước gì cho mình, chỉ bày tỏ rằng: ở trạm y tế của chị còn nhiều thiếu thốn về trang thiết bị, nếu có đầy đủ sẽ phục vụ người dân được tốt hơn.

Ngọc Hà