Thứ sáu,  20/09/2024

Người thương binh làm giàu từ nuôi nhím

LSO-Nhắc đến ông Hoàng Cải, các cựu chiến binh (CCB) và nhiều người dân phường Hoàng Văn Thụ - TP Lạng Sơn đều cảm phục ý chí của người thương binh dám nghĩ dám làm, vượt qua mọi khó khăn để vươn lên làm giàu chính đáng. Xuất ngũ trở về địa phương, với những thương tật trong quá trình chiến đấu, ông Hoàng Cải được nhà nước công nhận là thương binh hạng ¾. Quyết tâm thoát khỏi đói nghèo, làm giàu chính đáng bằng chính công sức của mình là điều trăn trở nhất với người thương binh này. Mặc dù sức khoẻ yếu, song ngoài công tác tại cơ quan Nhà nước, ông Cải còn mạnh dạn vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Những năm đầu, ông tập trung phát triển mô hình kinh tế tổng hợp, mỗi năm thu nhập gần trăm triệu đồng. Không bằng lòng với kết quả đó, ông tiếp tục tìm hiểu, tham quan học hỏi các mô hình phát triển kinh tế VAC, kinh tế trang trại để tìm hướng đi cho mình. Qua tìm hiểu thực tế trong và ngoài tỉnh và nghiên cứu tài liệu, sách báo,...

LSO-Nhắc đến ông Hoàng Cải, các cựu chiến binh (CCB) và nhiều người dân phường Hoàng Văn Thụ – TP Lạng Sơn đều cảm phục ý chí của người thương binh dám nghĩ dám làm, vượt qua mọi khó khăn để vươn lên làm giàu chính đáng.
Xuất ngũ trở về địa phương, với những thương tật trong quá trình chiến đấu, ông Hoàng Cải được nhà nước công nhận là thương binh hạng ¾. Quyết tâm thoát khỏi đói nghèo, làm giàu chính đáng bằng chính công sức của mình là điều trăn trở nhất với người thương binh này. Mặc dù sức khoẻ yếu, song ngoài công tác tại cơ quan Nhà nước, ông Cải còn mạnh dạn vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Những năm đầu, ông tập trung phát triển mô hình kinh tế tổng hợp, mỗi năm thu nhập gần trăm triệu đồng. Không bằng lòng với kết quả đó, ông tiếp tục tìm hiểu, tham quan học hỏi các mô hình phát triển kinh tế VAC, kinh tế trang trại để tìm hướng đi cho mình. Qua tìm hiểu thực tế trong và ngoài tỉnh và nghiên cứu tài liệu, sách báo, ông nhận thấy mô hình nuôi nhím bán giống mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2002, ông quyết định đầu tư hơn 100 triệu đồng xây chuồng, mua 1 đôi nhím bố mẹ, 1 đôi nhím con về nuôi. Sau hơn 1 năm, ông đã có nhím giống để bán ra thị trường. Khi có vốn, ông lại tiếp tục đầu tư mua, nhân giống và mở rộng quy mô chuồng trại. Đến nay, ông đã có trên 40 đôi giống, mỗi năm xuất bán ra thị trường trên 60 đôi nhím con, trung bình mỗi đôi nhím có giá gần 20 triệu đồng. Theo kinh nghiệm của ông Cải, nhím nuôi dễ, bởi chúng ít bị bệnh, thời gian sinh sản nhanh, một năm 2 lứa, thức ăn đơn giản chỉ là các loại củ quả. Vì vậy, bên cạnh việc nuôi nhím bán giống, thời gian tiếp theo ông cũng có hướng phấn đấu mở rộng quy mô nuôi nhím thương phẩm. Không chỉ giỏi làm kinh tế, bản thân ông tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Đặc biệt ông là 1 trong những hội viên tích cực tham gia giúp đỡ các hội viên CCB khó khăn trong hội về cả con giống lẫn khoa học kỹ thuật để nhân rộng các mô hình nuôi nhím trong tổ chức hội CCB trên địa bàn.

Trên thực tế, mặc dù ngày càng có nhiều mô hình nuôi nhím nhưng đây vẫn được coi là vật nuôi cho thu nhập cao, đầu ra thuận lợi. Nắm bắt được điều này ông Cải vẫn nghiên cứu và tiếp tục gây nuôi nhím để phát triển kinh tế gia đình. Cũng như nhiều người lính trở về sau chiến tranh, dù mang trên mình những thương tật, nhưng với phẩm chất của anh “bộ đội Cụ Hồ”, bằng ý chí và nghị lực của mình, ông Cải đã không ngừng phấn đấu vươn lên, phát triển kinh tế gia đình và góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp, xứng đáng với lời dạy của Bác “thương binh tàn nhưng không phế”.

Bảo Vy