Thứ năm,  19/09/2024

Năng động ở vùng 3

LSO- Đến xã Tri Lễ, huyện Văn Quan, hỏi thăm gia đình chị Duyên-anh Tiến, hầu như ai cũng biết, bởi anh chị là một trong 3 hộ gia đình có xưởng sản xuất gạch bê tông phục vụ nhu cầu xây dựng cho bà con trong xã. Nhìn “cơ ngơi” của anh chị với nhà xưởng, xe ô tô chuyên chở sản phẩm đi tiêu thụ, không ít người phải trầm trồ thán phục sự năng động của người phụ nữ ở xã vùng 3 này. Anh Tiến vận hành dây chuyền sản xuất gạch bê tông Chị Duyên kể rằng trước đây cuộc sống của gia đình chị gặp không ít khó khăn vì chỉ trông vào 5 sào ruộng. Không cam chịu đói nghèo, chị đã tự mày mò, học hỏi rồi mở xưởng làm ngói. Sau một thời gian, cùng với chút vốn tích lũy được từ sản xuất ngói, năm 2008, chị mạnh dạn vay ngân hàng chính sách xã hội 30 triệu đồng qua Hội Nông dân để đầu tư mua thiết bị, lập xưởng đóng gạch bê tông. Ban đầu, quy mô còn nhỏ, anh chị vừa làm quản lý, vừa làm...

LSO- Đến xã Tri Lễ, huyện Văn Quan, hỏi thăm gia đình chị Duyên-anh Tiến, hầu như ai cũng biết, bởi anh chị là một trong 3 hộ gia đình có xưởng sản xuất gạch bê tông phục vụ nhu cầu xây dựng cho bà con trong xã. Nhìn “cơ ngơi” của anh chị với nhà xưởng, xe ô tô chuyên chở sản phẩm đi tiêu thụ, không ít người phải trầm trồ thán phục sự năng động của người phụ nữ ở xã vùng 3 này.




Anh Tiến vận hành dây chuyền sản xuất gạch bê tông


Chị Duyên kể rằng trước đây cuộc sống của gia đình chị gặp không ít khó khăn vì chỉ trông vào 5 sào ruộng. Không cam chịu đói nghèo, chị đã tự mày mò, học hỏi rồi mở xưởng làm ngói. Sau một thời gian, cùng với chút vốn tích lũy được từ sản xuất ngói, năm 2008, chị mạnh dạn vay ngân hàng chính sách xã hội 30 triệu đồng qua Hội Nông dân để đầu tư mua thiết bị, lập xưởng đóng gạch bê tông. Ban đầu, quy mô còn nhỏ, anh chị vừa làm quản lý, vừa làm công nhân; vừa trực tiếp sản xuất vừa tự tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm để làm ra những sản phẩm có chất lượng đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Có xưởng rồi, anh chị lại huy động thêm vốn từ anh em họ hàng đầu tư mua xe ô tô để chuyên chở vật liệu, chở sản phẩm đi tiêu thụ. Cứ thế cho đến nay, xưởng gạch của gia đình chị Duyên-anh Tiến đã đi vào hoạt động ổn định, sản xuất ra hàng vạn viên mỗi năm, bán cho bà con trong xã và một số vùng lân cận. Từ sản xuất gạch, trừ chi phí mỗi năm gia đình chị thu lãi 40-50 triệu đồng. Không chỉ đem lại thu nhập cho gia đình, xưởng gạch cũng tạo việc làm cho 3 lao động địa phương.

Song song với sản xuất gạch bê tông, chị Duyên còn phát triển chăn nuôi lợn, chăn nuôi gà, vịt, ngan cải thiện đời sống. Hiện trong chuồng nhà chị có 4 con lợn nái, mỗi năm xuất 2 lứa lợn con. Cùng với đó, chị còn nuôi hơn 50 con gà thả vườn, 40-50 con ngan/lứa để bán thịt, trứng. Từ chăn nuôi, mỗi năm gia đình chị thu lãi khoảng 30 triệu đồng. Năng động trong phát triển kinh tế, anh chị còn là những hội viên nông dân, hội viên phụ nữ tích cực trong các hoạt động, các phong trào thi đua, hàng năm gia đình anh chị luôn được công nhận gia đình văn hóa. Ông Hoàng Văn An, Chủ tịch UBND xã Tri Lễ nhận xét: so với ở nhiều nơi khác, mô hình kinh tế gia đình như của chị Duyên-anh Tiến có thể còn nhỏ bé, song với địa phương chúng tôi-nơi mà phần lớn bà con chưa mạnh dạn trong phát triển sản xuất thì đó chính là điển hình để xã tuyên truyền, nhân rộng; khích lệ, động viên bà con dám nghĩ dám làm, sớm thoát nghèo và vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Bảo Vy