Thứ sáu,  20/09/2024

Làm giàu từ nuôi lợn thịt

LSO-Trong những năm qua, phong trào chăn nuôi ở xã Tô Hiệu, huyện Bình Gia phát triển khá mạnh. Nhiều hộ dân trong xã đã vươn lên làm giàu từ chăn nuôi.

LSO-Trong những năm qua, phong trào chăn nuôi ở xã Tô Hiệu, huyện Bình Gia phát triển khá mạnh. Nhiều hộ dân trong xã đã vươn lên làm giàu từ chăn nuôi. Trong đó tiêu biểu có gia đình bà Hoàng Thị Dung ở thôn Rừng Thông với mô hình chăn nuôi lợn thịt cho hiệu quả kinh tế cao và ổn định.

Bà Dung chăm sóc đàn lợn thịt

Nhìn vào dãy chuồng trại quy mô, thoáng mát với  đàn lợn thịt béo núc đang đợi xuất chuồng, ít ai biết rằng, toàn bộ công việc chăn nuôi đó do một tay bà Dung gây dựng và phát triển. Chồng mất sớm, các con đều đi công tác nên mọi việc trong nhà đều do bà gánh vác. Để gây dựng được một mô hình chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế như hiện nay, bà đã trải qua không ít những khó khăn, có những lần tưởng chừng như phải bỏ cuộc giữa chừng, nhưng cuối cùng bà cũng tìm cách vượt qua. Bà Dung chia sẻ: năm 2000, phong trào nuôi lợn thịt ở thôn khá phát triển, nhà nào cũng nuôi từ một vài con trở lên. Gia đình bà bắt đầu chăn nuôi với hình thức nhỏ lẻ như vậy, phần để giải quyết thức ăn dư thừa trong sinh hoạt hàng ngày, phần để tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, chăn nuôi nhỏ lẻ như vậy có khi cả năm mới bán được một lứa, trừ tiền con giống, gạo, ngô tính ra chẳng lãi là bao, thậm chí có lúc còn bị lỗ. Xã Tô Hiệu có điều kiện giao thông tương đối thuận tiện, cộng với nguồn lương thực gạo, ngô, rau xanh tại chỗ tương đối dồi dào nên chăn nuôi hàng hóa gặp rất nhiều thuận lợi. Vậy là lúc đó, bà Dung bắt đầu nghĩ đến việc mở rộng quy mô chuồng trại, tăng số lượng lợn giống. Nghĩ là làm, với số vốn tích cóp được qua nhiều năm chăn nuôi cộng với thu nhập từ cửa hàng tạp hóa của gia đình, bà Dung đã vay thêm tiền của người thân trong gia đình để đầu tư xây mới chuồng trại. Đến năm 2005, số lợn thịt của gia đình bà Dung đã lên đến 50 con, có thời điểm lên đến 60-70 con lợn thịt. Việc mở rộng quy mô chăn nuôi như vậy ban đầu đã gặp không ít khó khăn. Từ việc luôn luôn phải đảm bảo lượng lương thực khá lớn đến việc chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho cả đàn cũng phức tạp hơn việc chăn nuôi nhỏ lẻ rất nhiều… Qua mỗi lứa lợn, bà Dung lại rút kinh nghiệm để chăn nuôi những đàn tiếp đạt hiệu quả cao hơn. Từ đó đến nay, trong chuồng nhà bà luôn duy trì ổn định số lượng lợn thịt, hiệu quả kinh tế từ mô hình này đem lại cao hơn rất nhiều so với việc trồng trọt, chăn nuôi nhỏ lẻ như trước đây. Trung bình mỗi năm xuất chuồng được gần 10 tấn lợn thịt, trừ các khoản chi phí, mỗi năm thu về từ 100-150 triệu đồng.

Trải qua những khó khăn ban đầu khi bước vào mô hình chăn nuôi lợn thịt với quy mô lớn, giờ đây, mô hình của bà Dung được đánh giá là một trong những mô hình chăn nuôi tiêu biểu ở xã Tô Hiệu. Thấy hiệu quả từ mô hình kinh tế của bà Dung, một số hộ dân cũng đến tìm hiểu và được bà Dung giúp đỡ nhiệt tình về kỹ thuật chọn giống, chăm sóc, bảo vệ dịch bệnh… Ông Hoàng Văn Phù, Chủ tịch UBND xã Tô Hiệu cho biết: thời gian qua, việc chăn nuôi lợn thịt ở xã khá phổ biến, tuy nhiên hình thức chủ yếu là nhỏ lẻ. Mô hình của gia đình bà Dung là mô hình chăn nuôi lợn thịt lớn nhất tại địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định và có thể nhân rộng ra nhiều hộ gia đình khác trong xã.

ĐÌNH QUYẾT