Thứ sáu,  20/09/2024

Ông Y làm kinh tế giỏi

LSO-Là nông dân thuần chất ở vùng quê Than Muội, xã Quang Lang, huyện Chi Lăng, từ nhỏ ông Hà Văn Y đã quen với đồng ruộng nên biết tận dụng tối đa điều kiện khí hậu, đồng đất tự nhiên và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập, từng bước vươn lên làm giàu.
Ông Hà Văn Y bên sản phẩm do gia đình làm ra

Kể lại cuộc đời mình ông Y cho hay: khi tôi còn nhỏ gia đình rất nghèo, nhà đông anh em, 12 tuổi tôi đã phải phụ giúp bố mẹ cày cấy, trồng cây. Khi trưởng thành, lấy vợ và có 4 đứa con, tài sản có được cũng chỉ là vài sào ruộng do bố mẹ chia cho nên dù có “đầu tắt mặt tối” cả ngày gia đình tôi cũng không đủ ăn. Thấy cảnh đói nghèo thật kham khổ, tôi quyết tâm làm giàu. Nhưng làm giàu bằng cách nào khiến tôi trăn trở nhiều đêm. Suy đi, tính lại nhận thấy chẳng đâu bằng làm giàu từ chính quê mình bởi đi xa làm ăn thì kinh tế không tập trung, vợ con ở nhà nheo nhóc chắc gì đã làm nên việc lớn. Thế là tôi quyết tâm tìm những loại cây trồng phù hợp đem về gieo trồng. Với kinh nghiệm làm nông, ý chí vượt qua khó khăn, tính cần cù ông đã thành công với mô hình làm kinh tế tổng hợp. Hiện nay, gia đình ông đã có vườn cây ăn quả với gần 400 cây na và hồng nhân hậu cho sản lượng 4,5 tấn/năm; 1,3 mẫu thuốc lá cho sản lượng 1,3 tấn thuốc lá khô/năm; gần 2 mẫu đất trồng ngô, lúa và xuất chuồng khoảng 1,5 tấn lợn hơi/năm. Tổng thu nhập của gia đình ông dao động từ 100-150 triệu đồng/năm. Kinh tế khá giả, cuộc sống của gia đình ông ổn định hơn, 2 người con đã có việc làm và 2 người con còn lại giúp gia đình phát triển kinh tế tại nhà.

Chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế, ông Y cho biết, để làm giàu không khó, chỉ cần bản thân cầu thị, dám nghĩ, dám làm và kiên trì thì thành công. Trồng cây gì, nuôi con gì phải tìm hiểu rõ đặc tính của từng loài và xem nhu cầu thị trường có tiêu thụ được hay không. Ví như với cây na có tới mấy chục loại sâu bệnh như bọ xít, sâu đen lưng gù, rầy nâu bay, rệp trắng… có thể tấn công làm năng suất giảm hoặc cây chết. Để đối phó, ông chủ động phun thuốc phòng trừ trước. Để thuốc không gây độc hại cho quả thì nên phun từ khi quả to bằng đầu ngón tay và dừng phun trước khi mang bán khoảng 20 ngày. Với những cây na già có nguy cơ thoái hóa, nên chịu khó chăm bón, đốn ngọn, tỉa cành. Vườn cây lúc nào cũng phải sạch cỏ không để cây dại hút hết chất dinh dưỡng của đất. Với cây hồng thì dễ chăm sóc hơn. Tuy nhiên để sai quả, quả to và ngọt thì cần chịu khó vun gốc, tưới phân đạm cho cây.

Ông Nguyễn Văn Thật – Chủ tịch Hội Nông dân xã Quang Lang cho biết: ông Y là tấm gương điển hình vươn lên làm giàu ở xã Quang Lang. Không chỉ chịu khó, mà ông Y còn biết áp dụng những kinh nghiệm quý báu vào quá trình sản xuất. Ông cũng rất tích cực hướng dẫn bà con trong thôn, xã học tập, áp dụng thành công cách làm của mình. Gia đình luôn chấp hành tốt những chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; tham gia đầy đủ các phong trào do địa phương phát động. Nhiều năm liền ông là nông dân kinh doanh giỏi của huyện, xã. Năm 2013, ông được Hội Nông dân tỉnh Lạng Sơn biểu dương thành tích về làm kinh tế giỏi.

HÀ MY