Thứ sáu,  20/09/2024

Tâm huyết với trẻ vùng khó

LSO-Triệu Thị Tuyết Nhung sinh năm 1985 tại xã Đại An, huyện Văn Quan. Chị từng học trung cấp mầm non tại Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn, khóa 2004 – 2006. Ra trường chị về dạy tại Trường mầm non xã Lương Năng; từ năm 2008 đến nay, chị dạy tại Trường PTDT bán trú tiểu học xã Đồng Giáp, huyện Văn Quan.

Dù ở môi trường công tác nào chị cũng đều nỗ lực trong chuyên môn, sống có chuẩn mực, được đồng nghiệp tin yêu, quý mến. Qua đó đã được ngành giáo dục và tổ chức công đoàn các cấp ghi nhận và tặng nhiều giấy khen, bằng khen. Đơn cử, năm học 2011 – 2012, chị đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh, cấp học mầm non; năm học 2013 – 2014 chị đạt danh hiệu giáo viên giỏi xuất sắc tại Hội thi Giáo viên mầm non giỏi cấp tỉnh. Tháng 11/2013, chị được Sở Giáo dục và Đào tạo lựa chọn tham gia “Lễ tuyên dương nhà giáo tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2008 – 2013” và được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục giai đoạn 2008 – 2013. Tháng 4/2014, chị được lựa chọn tham gia “Liên hoan giáo viên dạy giỏi cấp học mầm non toàn quốc năm 2014”.

Tại đây, chị được Bộ Giáo dục và Đào tạo trao giấy chứng nhận Giáo viên giỏi tiêu biểu. Chị cũng đã được Công đoàn Giáo dục Việt Nam tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục giai đoạn 2010 – 2014. Và thời gian tới, chị là một trong số ít cá nhân trong tỉnh được đi dự Đại hội thi đua yêu nước tại trung ương.   Đạt được những thành tích trên là sự nỗ lực, không ngại khó, ngại khổ và trên hết là lòng yêu nghề, thương yêu trẻ nơi vùng khó của chị Nhung. Từng công tác tại 2 trường mầm non thuộc 2 xã khác nhau của huyện Văn Quan, đặc điểm nổi bật chung là: lớp học đều tạm bợ, đồ dùng cho dạy và học thiếu thốn; đường đi lại gian nan; phụ huynh học sinh chưa thực sự quan tâm tới việc học của trẻ. Chưa kể là 100% các cháu đều là con em dân tộc thiểu số, ngôn ngữ phổ thông chưa thành thạo; hầu hết các em đều có hoàn cảnh khó khăn, nhiều trường hợp vì thế bị suy dinh dưỡng; trong khi một số phụ huynh thường đi làm ăn xa, ít có điều kiện quan tâm tới việc học của con cái… Điều đó khiến việc lên lớp của giáo viên gặp không ít áp lực. Tuy nhiên, chị đã khắc phục mọi hoàn cảnh để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Thiếu thốn đồ chơi cho học sinh, chị đã tận dụng các phế liệu để chế tạo. Chẳng hạn, dùng vỏ hộp sữa để làm thân các con vật hoặc thân búp bê; dùng xốp của dép biti’s hỏng cắt thành các chi tiết: mắt, mũi, mồm, đuôi; sau đó sử dụng keo nến gắn các chi tiết lại và trang trí cho đẹp mắt. Chị còn dùng vỏ chai rượu Mẫu Sơn và phun màu sơn, gắn các vật dụng khác theo ý thích để làm hình con sóc; các mô hình như nhà sàn, đàn T’rưng, trống cơm được chị tận dụng làm từ những ống tre, thân tre xin được của nhà dân xung quanh trường; qua đó phục vụ công tác giảng dạy rất hiệu quả. Ngoài ra còn phải kể tới sáng kiến đưa dân ca vào trong quá trình dạy học của chị Nhung, trong đó có làn điệu hát then Xứ Lạng. Đây cũng là đề tài đã được Phòng GD&ĐT huyện Văn Quan đánh giá xếp loại giỏi, được Hội đồng khoa học Sở GD&ĐT xếp loại tốt. Và thực tế đã giúp trẻ thêm hứng thú hơn trong học tập, bởi chị đã sưu tầm những bài dân ca ngắn gọn, nội dung phù hợp với lứa tuổi trẻ thơ cũng như phong tục, tập quán địa phương; bước đầu hình thành cho trẻ niềm yêu thích dân ca truyền thống.

Những nỗ lực của cô giáo Nhung đã góp phần đưa chất lượng giáo dục của nhà trường không ngừng nâng lên. Riêng đối với chị, từ năm 2011 đến nay, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ do mình phụ trách luôn đạt 100%; tỷ lệ chuyên cần và bé ngoan luôn đạt trên 95%. Chị tâm sự rằng: so với giáo viên mầm non ở khu trung tâm, giáo viên tại các trường mầm non ở vùng sâu, vùng khó khăn phải cố gắng gấp bội về mọi mặt. Mong muốn lớn nhất của mình là các cấp, các ngành cần tăng cường quan tâm đầu tư phòng học, sân chơi cho trẻ vùng khó khăn; bên cạnh đó, hỗ trợ đồ dùng, đồ chơi cho trẻ giúp trẻ em vùng khó có đủ trang thiết bị, đồ dùng học tập, đáp ứng được yêu cầu giáo dục chung hiện nay.

HOÀNG HUẤN