Thứ năm,  19/09/2024

Chị Hảo làm kinh tế giỏi

(LSO) – Ở thôn Ngọc Môn, xã Long Đống, huyện Bắc Sơn, nhắc đến chị Hoàng Thị Hảo thì ai cũng biết, bởi chị là tấm gương sáng trong  chuyển đổi cây trồng, vật nuôi.

Chị Hoàng Thị Hảo, thôn Ngọc Môn, xã Long Đống, huyện Bắc Sơn chăm sóc vườn thanh long ruột đỏ

Là con của gia đình thuần nông, gia cảnh lại khó khăn vì thế tuổi thơ của chị Hảo luôn là những bữa cơm ăn không đủ no, áo không đủ ấm. Năm 1989, chị lập gia đình, đôi vợ chồng trẻ luôn trăn trở tìm cách thoát khỏi đói nghèo. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, chị nhận thấy cây thanh long phù hợp với chất đất, khí hậu của địa phương. Đầu năm 2011, với số tiền tích góp được, vợ chồng chị Hảo lăn lội xuống vườn giống cây trồng tại Hà Nội mua 100 gốc thanh long ruột đỏ về trồng thử nghiệm. Do gia đình thiếu kinh nghiệm chăm sóc nên diện tích thanh long chị Hảo trồng bị chết.

Không chịu khuất phục trước thất bại, năm 2014, vợ chồng chị Hảo lại lặn lội xuống tỉnh Vĩnh Phúc để mua giống thanh long ruột đỏ tại địa chỉ uy tín, học hỏi thêm kinh nghiệm chăm sóc cây. Trở về địa phương, vợ chồng chị đã cải tạo đất và trồng 200 gốc thanh long ruột đỏ. Theo chị Hảo, thanh long ruột đỏ là loại cây tương đối dễ trồng, không kén đất nhưng lại cho lợi nhuận cao hơn trồng lúa, ngô… Cây thanh long gần giống như cây xương rồng nên không đòi hỏi nhiều công chăm sóc. Trước khi trồng cần phải làm đất kỹ, bón lót phân hữu cơ để một thời gian mới trồng, khi chọn giống không nên chọn nhánh già, khi thanh long cho trái cần biết cách tỉa nhánh, chăm sóc.

Hiện nay, khu vườn của chị Hảo có gần 200 gốc thanh long ruột đỏ đang cho thu hoạch, với giá bán từ 25.000 – 30.000 đồng/kg, trừ chi phí, mỗi năm, thu nhập từ trồng thanh long của gia đình chị đạt hơn 70 triệu đồng. Sắp tới, chị Hảo sẽ mở rộng diện tích trồng thêm 1.000 gốc thanh long ruột đỏ. Không chỉ phát triển cây thanh long, gia đình chị còn trồng 500 cây chuối tiêu hồng, nuôi bò bán chăn thả và trồng hơn 5 ha cây quế, trong đó có 3 ha đã cho thu hoạch. Từ vườn cây ăn quả, chăn nuôi và các nguồn thu khác, mỗi năm, gia đình chị thu nhập trên 200 triệu đồng.

Chị Hảo tâm sự: Có được như ngày hôm nay, ngoài sự nỗ lực của bản thân còn nhờ sự động viên, giúp đỡ của gia đình, bạn bè, hàng xóm láng giềng, đặc biệt là chị em hội viên phụ nữ. Tham gia tổ chức hội phụ nữ, tôi được tiếp cận kiến thức khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, học tập các mô hình làm kinh tế giỏi, được tham gia các hoạt động của hội… Những hoạt động đó đã động viên, khích lệ tôi cố gắng vươn lên trong lao động sản xuất.

Ông Hoàng Quang Chuyền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Đống, huyện Bắc Sơn cho biết: “Gia đình chị Hảo là người đầu tiên đưa cây thanh long ruột đỏ về trồng, bước đầu đã cho hiệu quả kinh tế cao. Đây là hướng chuyển đổi, tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Chị Hảo là tấm gương điển hình về tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, biết vươn lên làm giàu chính đáng. Chị đã góp phần tô thắm thêm hình ảnh đẹp của người phụ nữ nông thôn, xứng đáng là tấm gương để chị em phụ nữ học tập.

TRIỆU THÀNH