Thứ sáu,  20/09/2024

Cựu thanh niên xung phong năng động phát triển kinh tế

– Với tinh thần “lúc trẻ xông pha, về già gương mẫu”, hội viên Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) Hoàng Thị Biến (sinh năm 1953), thôn Còn Coóc, xã Bình Trung, huyện Cao Lộc vẫn miệt mài lao động khi tuổi đã cao để phát triển kinh tế gia đình và tham gia tích cực các hoạt động của hội. Bà là tấm gương sáng cho con cháu học tập và noi theo.

Sinh ra và lớn lên tại  Cao Lộc, năm 1973, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, thanh niên Hoàng Thị Biến lên đường tham gia lực lượng TNXP. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ với đất nước, năm 1975, bà trở về quê hương phát triển kinh tế gia đình.

Bà Biến chăm sóc vườn cây ăn quả

Bà Biến chia sẻ: Trước đây, kinh tế gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn do chỉ trông chờ vào 4 sào ruộng ông bà để lại. Không cam chịu nghèo khó, tôi luôn trăn trở tìm hướng vươn lên phát triển kinh tế. Nhận thấy điều kiện tự nhiên ở địa phương thích hợp với phát triển cây hồi nên từ năm 1980, tôi cùng gia đình đã tích cực trồng hồi trên diện tích đất đồi bỏ hoang của gia đình. Thời gian đầu, tôi chưa biết áp dụng kỹ thuật vào chăm sóc nên nhiều diện tích hồi bị sâu bệnh, cây chậm phát triển, năng suất thấp. Để khắc phục tình trạng này, tôi đã mày mò tìm hiểu và nhận thấy chăm sóc hồi theo hướng hữu cơ sẽ giúp cây khỏe, sạch bệnh, ít thoái hóa, góp phần tăng năng suất, chất lượng hồi.

Từ năm 2019 đến nay, gia đình bà Biến đã chú trọng các khâu chăm sóc, phát cỏ, tỉa cành và bón phân định kỳ. Cùng đó, hằng năm, gia đình bà trồng mới, trồng dặm diện tích hồi bị chết, thoái hóa, nhờ đó đến nay, gia đình bà đã có trên 3,5 ha hồi cho thu hoạch và khoảng 0,5 ha diện tích trồng mới, đang phát triển tốt.

Nhờ áp dụng đúng quy trình chăm sóc nên năng suất, chất lượng hồi của gia đình bà Biến ngày một tăng. Vào vụ thu hoạch hằng năm, sau thu hái, hồi đều được thương lái thu mua toàn bộ. Trung bình mỗi năm, gia đình bà thu được từ 2 đến 3 tấn hồi tươi. Riêng năm 2021, gia đình thu được trên 3,5 tấn, bán với giá dao động từ 45 đến 50 nghìn đồng/kg, nhờ đó gia đình thu về hơn 170 triệu đồng. Hiện nay, đang chuẩn bị vào chính vụ hồi, dự kiến rừng hồi năm nay sẽ cho sản lượng cao hơn năm trước.

Không dừng lại ở đó, từ năm 2015, nhận thấy trồng hồng, mận đem lại hiệu quả kinh tế cao, bà Biến đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng hơn 200 cây mận và 100 cây hồng Vành khuyên, hồng không hạt Bảo Lâm. Sau hơn 3 năm, đến nay, vườn cây ăn quả đã cho thu hoạch, mang lại thu nhập từ 20 đến 30 triệu đồng/năm. Từ mô hình kinh tế trên, gia đình bà Biến có thu nhập 200 triệu đồng/năm.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, bà còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt cho bà con trong xã khi có nhu cầu, vì thế bà luôn được mọi người tin yêu, quý mến. Cùng đó, bà luôn chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Năm 2021, gia đình bà tiên phong hiến hơn 50 m2 đất để làm đường giao thông nông thôn, nhờ đó con đường vào thôn đã được bê tông hóa, giúp người dân đi lại thuận lợi hơn.

Bà Từ Thị Bích, Chủ tịch Hội cựu TNXP xã Bình Trung nhận xét: Bà Hoàng Thị Biến một người năng động, đi đầu trong phát triển kinh tế trên địa bàn xã. Nhờ sự cần cù, chịu khó, không ngừng học hỏi, bà đã thành công với mô hình kinh tế tổng hợp. Bên cạnh đó, bà còn là người gương mẫu, tích cực thực hiện tốt các nhiệm vụ, phong trào của địa phương.

Với sự nỗ lực đó, bà đã được nhận nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp, ngành. Đặc biệt, tháng 2/2022, bà Hoàng Thị Biến vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích trong phong trào thi đua yêu nước năm 2021; tháng 7/2022 được Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc tặng giấy khen vì có thành tích xây dựng tổ chức hội vững mạnh, phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2017 – 2022.

LIỄU CHANG