Thứ năm,  19/09/2024

Tấm gương phụ nữ khuyết tật giàu nghị lực

– Đã từng gắn bó với đôi nạng gần 15 năm, tưởng rằng không thể tự đi lại bằng chính đôi chân của mình nhưng nhờ sự nỗ lực vượt qua bệnh tật, hoàn cảnh khó khăn, chị Hà Thị Điềm (sinh năm 1988), thôn Tân Tiến, xã An Sơn, huyện Văn Quan đã vươn lên trong cuộc sống, trở thành một điển hình làm kinh tế giỏi với nghề làm Khẩu sli truyền thống trên địa bàn.

Chị Điềm sinh ra trong gia đình thuần nông tại thôn Tân Tiến, xã An Sơn. Từ khi mới chập chững biết đi, bàn chân trái chị xuất hiện tật. Sau đó, gia đình đưa đi chữa trị nhưng không khỏi dứt điểm. Càng lớn, tật càng phát triển to hơn và chị được chẩn đoán bị bệnh viêm xương khiến chị phải điều trị ở các bệnh viện cả trong và ngoài huyện. Khi các bạn cùng trang lứa hằng ngày cắp sách đến trường thì tuổi thơ của chị Điềm phải ròng rã đi chữa bệnh và đi lại bằng nạng hoặc được cõng trên tấm lưng gầy của mẹ suốt 15 năm. Do cố gắng điều trị, chạy chữa khắp nơi nên đến thời điểm này, chị Điềm đã có thể tự đi lại nhưng bệnh vẫn thường xuyên tái phát làm ảnh hưởng nhiều đến vận động và cuộc sống sinh hoạt.

Chị Điềm sản xuất bánh Khẩu sli

Với hoàn cảnh đó, bố lại mất sớm nên chị Điềm luôn suy nghĩ làm sao để mình không trở thành gánh nặng cho gia đình. Nhận thấy bánh Khẩu sli là đặc sản truyền thống của người dân tộc Tày, Nùng trong tỉnh nói chung, ở huyện Văn Quan nói riêng, chị Điềm đã có suy nghĩ làm món bánh này để bán. Chị Điềm chia sẻ: Tính toán là vậy nhưng bắt tay vào thực hiện tôi gặp vô vàn khó khăn. Ban đầu do chưa có kinh nghiệm nên màu bánh chưa đẹp mắt, bánh bị vụn và dính vào nhau, nhiều mẻ bị hỏng phải bỏ đi. Để tiêu thụ sản sản phẩm, ban đầu tôi mang bánh đến chợ phiên của huyện bán nhưng chỉ bán được số lượng rất ít. Sau đó, tận dụng mạng xã hội, tôi đã đăng bán sản phẩm trên Facebook cá nhân và ship hàng theo đơn dù chỉ là 1 gói bánh. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tôi tự mày mò tìm hiểu, tính toán công thức riêng để cho ra những mẻ bánh đạt chất lượng. Đến nay, mỗi mẻ bánh đều có định lượng nguyên liệu cụ thể nên vị bánh ổn định, được thực khách gần xa ủng hộ.

Cùng với sản xuất, cung cấp bánh ra thị trường, chị Điềm đã quan tâm thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh, chú trọng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đóng gói, bao bì nhãn mác… Theo đó từ năm 2018, cơ sở sản xuất của chị có đầy đủ giấy phép kinh doanh, sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm, có bao bì, nhãn mác, nguồn gốc rõ ràng càng ngày sản phẩm càng được người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng. Đến nay, bánh Khẩu sli của chị làm ra có mặt ở nhiều siêu thị, đại lý, cửa hàng tạp hóa trên địa bàn Thành phố Lạng Sơn, trong huyện Văn Quan và một số huyện lân cận. Những năm gần đây, trung bình mỗi ngày, cơ sở của chị sản xuất được gần 1.000 gói bánh, cao điểm vào cận Tết Nguyên đán hằng năm năm lên tới  1.000 gói bánh/ngày, đem lại thu nhập sau khi trừ chi phí từ 120 đến 150 triệu đồng/năm. Hiện tại cơ sở sản cuất của chị tạo việc làm cho 4 đến 6 lao động tại địa phương.

Ông Nông Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND xã An Sơn cho biết: Chị Điềm là người khuyết tật của xã được hưởng mức trợ cấp hơn 500.000 đồng/tháng. Không ỷ lại vào mức trợ cấp ít ỏi, chị đã nỗ lực vượt qua trở ngại, khó khăn, trở thành điển hình làm kinh tế giỏi. Từ ngôi nhà vách lụp xụp trước đây, chị đã tích góp tiền của xây dựng được ngôi nhà kiên cố, khang trang và sắm sửa được đầy đủ tiện nghi, xây dựng thêm nhà xưởng sản xuất Khẩu sli và chăm sóc con cái đầy đủ, gia đình hạnh phúc. Chị xứng đáng là tấm gương người khuyết tật nỗ lực vươn lên trong cuộc sống để các trường hợp khác học tập, noi theo. Để tiếp tục tạo điều kiện cho chị Điềm và người khuyết tật ở địa bàn cải thiện, nâng cao đời sống, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã tiếp tục tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, giúp đỡ người khuyết tật. Chúng tôi cũng mong muốn các cấp, ngành liên quan tiếp tục quan tâm đến những người khuyết tật trong xã hội để họ có cơ hội vươn lên trong cuộc sống bằng chính khả năng của mình.

Khi chúng tôi hỏi về mong muốn dự định trong thời gian tới, chị Điềm cho biết, chị rất muốn mở rộng quy mô sản xuất, mở rộng thị trường, tạo việc làm cho thêm nhiều lao động địa phương. Tuy nhiên hiện tại, quy trình sản xuất chủ yếu là thủ công, vốn đầu tư có hạn nên rất mong các cấp, ngành liên quan tiếp tục quan tâm hỗ trợ vay vốn để đầu tư mua máy móc, trang bị cơ sở vật chất phục vụ quá trình sản xuất.

KIM LOAN - HOÀNG HẢI (Văn Quan)