Thứ sáu,  20/09/2024

Cảnh giác với chiêu trò lừa đảo qua mạng xã hội

(LSO) – Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra tình trạng nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản  qua mạng xã hội. Nhiều người do nhẹ dạ cả tin, hám lợi đã trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản lên tới cả tỷ đồng.

Tháng 7/2019, bà Đ.L.T trú tại xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn lên trình báo cơ quan chức năng về việc mất 130 triệu đồng do bị lừa đảo qua tin nhắn Facebook. Theo đó, bà T có đăng kí sử dụng mạng xã hội Facebook, tháng 5/2019, bà nhận được lời mời kết bạn từ một tài khoản người nước ngoài. Tài khoản này tự xưng là người nước Anh, làm nghề xây dựng và đã ly hôn vợ. Sau một thời gian nói chuyện, biết bà T đang kinh doanh buôn bán, chủ tài khoản này ngỏ ý gửi tiền bằng hình thức chuyển phát nhanh để hỗ trợ kinh doanh. Đầu tháng 6/2019, đối tượng nói đã chuyển số tiền 20.000 USD nhưng để nhận được số tiền đó, người này yêu cầu bà chuyển tiền để nộp phí, thuế làm thủ tục. Bà T đã chuyển tiền cho đối tượng. Sau đó bà nghi ngờ bị lừa đảo và lên trình báo công an.

Người dân cần cẩn trọng khi sử dụng mạng xã hội, đề phòng với các phương thức, thủ đoạn lừa đảo qua tin nhắn Facebook

Cuối năm 2018, Bà T.T.D, trú tại thành phố Lạng Sơn quen một người đàn ông nước ngoài qua Facebook. Người này nói rằng làm trong quân đội Hoa Kỳ và muốn gửi bà D giữ hộ số tiền 2.500.000 USD đã đóng thành bưu phẩm gửi qua đường hàng không. Để nhận số tiền giữ hộ này, bà D được một số người gọi điện đến tự xưng là hải quan và nhân viên hàng không yêu cầu thanh toán các khoản phí với nhiều lý do. Sau nhiều lần chuyển khoản nhưng không nhận được bưu phẩm, bà D mới biết mình bị lừa và mất số tiền trên 5 tỷ đồng.

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra trên 10 vụ lừa đảo qua mạng xã hội; chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân lên tới 10 tỷ đồng. Trong đó, người bị lừa nhiều nhất là hơn 5 tỷ đồng. Công an tỉnh đã phối hợp với Công an tỉnh Quảng Nam điều tra làm rõ được 3 vụ việc.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: các đối tượng người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam cấu kết với một số người Việt Nam sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo kết bạn, làm quen với nạn nhân. Các đối tượng nhắn tin qua Facebook messenger cho nạn nhân giới thiệu công việc của bản thân như: quân nhân, kỹ sư, bác sĩ… đã ly dị vợ, có nguồn tài sản lớn. Sau khi lấy được lòng tin của nạn nhân, đối tượng ngỏ ý muốn tặng quà có giá trị lớn hoặc gửi tiền để sau này về Việt Nam đầu tư kinh doanh. Nếu đồng ý giúp nhận hàng, các đối tượng sẽ trả công hậu hĩnh, có thể lên tới 30% so với giá trị gói hàng.

Tiếp đó, những đối tượng trong nhóm (là người Việt Nam) giả danh nhân viên vận chuyển hàng quốc tế, nhân viên an ninh sân bay, cán bộ hải quan… gọi điện cho bị hại yêu cầu nộp các loại thuế, phí, cước dịch vụ để làm thủ tục nhận quà, gói hàng. Sau khi nạn nhân chuyển tiền, những đối tượng này nhanh chóng sử dụng hình thức gửi tiền qua hệ thống Internet banking để chuyển đến nhiều tài khoản khác nhau nhằm chiếm đoạt tài sản.

Các đối tượng lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin và lòng tham của bị hại để lừa đảo. Nhiều nạn nhân trắng tay và lâm vào cảnh nợ nần. Theo Trung tá Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh, các nhóm lừa đảo sử dụng thủ đoạn rất tinh vi và ẩn danh rất kỹ. Ngoài thủ đoạn kết bạn nhắn tin qua Facebook, Zalo, hiện nay, các đối tượng còn mạo danh cán bộ công an, tòa án đe dọa, lừa đảo nạn nhân; mạo danh cán bộ ngân hàng yêu cầu cung cấp thông tin về tài khoản tiết kiệm đang gửi ở ngân hàng để chiếm đoạt tài sản…

Sau khi nhận được đơn tố giác về tội phạm lừa đảo qua mạng, Phòng Cảnh sát hình sự đã tập trung lực lượng xác minh và tiến hành điều tra các vụ việc. Tuy nhiên, quá trình điều tra gặp nhiều khó khăn do các đối tượng sử dụng hệ thống gọi điện qua Internet cho nạn nhân nên khó xác định được nơi gọi và các đầu số gọi đến, đối tượng mở nhiều tài khoản liên tục luôn chuyển tiền nên khó xác định các nguồn tiền, dịch vụ cung cấp thôn tin cá nhân của hệ thống ngân hàng còn chậm dẫn đến việc ngăn chặn và phong tỏa đối tượng lừa đảo còn khó khăn.

Để phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với loại tội phạm này, trong tháng 8 vừa qua, Công an tỉnh đã phối hợp với Viễn thông Lạng Sơn gửi tin nhắn thông báo về thủ đoạn lợi dụng công nghệ cao để lừa đảo đến hơn 33.000 đầu số thuê bao điện thoại di động để khuyến cáo người dân.  Trong thời gian tới, Phòng Cảnh sát hình sự tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền các phương thức thủ đoạn và biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với các đối tượng lừa đảo.

Chiêu thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội không mới nhưng do người dùng thiếu tỉnh táo nên dễ bị hấp dẫn bởi lời hứa đường mật của các đối tượng xấu. Để tránh bị lừa, thiết nghĩ người dùng mạng xã hội cần tỉnh táo, tránh các cám dỗ đánh vào lòng tham của con người.

THÙY DUNG