Thứ hai,  08/07/2024

Khó khăn trong giải ngân tín dụng học sinh, sinh viên

(LSO) – Sau 10 năm triển khai chương trình cho vay học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn, đã có hàng chục nghìn HSSV trên địa bàn tỉnh được tiếp sức đến trường từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH). Tuy nhiên, những năm gần đây, việc giải ngân chương trình khó khăn, dư nợ mỗi năm giảm hàng chục tỷ đồng

Người dân thực hiện giao dịch tại xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn

Ngày 27/9/2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 157 về tín dụng HSSV, nhằm giúp các em HSSV trang trải một phần chi phí học tập, sinh hoạt… Từ chương trình, những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã có hàng nghìn HSSV vượt qua khó khăn, theo học các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề trên cả nước. Tuy nhiên, khoảng 3 năm trở lại đây, nguồn vốn chương trình này khó giải ngân, dư nợ liên tục giảm. Cụ thể, năm 2017 dư nợ là 64,7 tỷ đồng, giảm 31,5 tỷ đồng so với năm 2016. Hiện, dư nợ chương trình chỉ còn 44,9 tỷ đồng, giảm 19,7 tỷ đồng so với năm 2017.

Tìm hiểu được biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến dư nợ vốn giảm, trong đó, nguyên nhân chính là do nhu cầu vay vốn giảm mạnh. Hiện nay, nhiều gia đình lựa chọn cho con đi học nghề nhiều hơn là học các trường đại học, cao đẳng. Bởi học nghề thời gian ngắn hạn hơn, vay vốn ít hơn và ra trường tìm được việc làm ngay trong khi nhiều trường hợp học đại học nhưng ra trường không có việc làm.

Ngoài ra, một số gia đình HSSV có nhu cầu vay vốn nhưng không thuộc đối tượng thụ hưởng. Theo quy định tại Quyết định số 157, đối tượng được vay vốn chương trình HSSV phải là hộ thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn như: hộ nghèo; hộ cận nghèo; hộ gia đình khó khăn về tài chính do tai nạn, thiên tai, bệnh tật, dịch bệnh; học sinh mồ côi… Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều hộ không thuộc các đối tượng trên nhưng lại khó khăn về tài chính, không đủ điều kiện trang trải cho con ăn học, rất cần đến sự hỗ trợ của chương trình vốn.

Bên cạnh các nguyên nhân như: hộ thuộc đối tượng nhưng không có nhu cầu vay, một số hộ chưa mạnh dạn vay vốn, nguyên nhân nữa là hiện nay nhiều sinh viên sau khi ra trường đã trả nợ đến hạn,… Ông Lương Đình Thắng, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Nà Nhì, xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn cho biết: Hiện tổ có 56 tổ viên với dư nợ 2,4 tỷ đồng, người dân chủ yếu vay chương trình sản xuất kinh doanh, hộ nghèo, cận nghèo. Khoảng 2 năm gần đây, chương trình vốn  HSSV hầu như không có người vay, các hộ vay vốn con cái đều đã ra trường và trả hết nợ, hiện tổ chỉ còn 1 hộ có dư nợ với số tiền 11 triệu đồng.

Với những nguyên nhân như trên, nguồn vốn sau thu hồi giải ngân được ngày càng thấp. Cụ thể, trong 9 tháng năm 2018, doanh số thu nợ trên 20,7 tỷ đồng nhưng số giải ngân rất ít – chỉ hơn 1 tỷ đồng. Năm 2017, doanh số thu nợ gần 36 tỷ đồng, số giải ngân chỉ hơn 4,1 tỷ đồng.

Chương trình cho vay HSSV là một chương trình tín dụng ưu đãi có tính nhân văn sâu sắc, phát huy hiệu quả xã hội, khẳng định quyết tâm của Chính phủ đầu tư cho nguồn nhân lực của đất nước với việc không để HSSV nào phải nghỉ học vì không có tiền đóng học phí. Vì vậy, để chương trình mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần là điểm tựa của các em trên con đường học tập, tại phiên họp quý III/2018 của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh, các đại biểu đã có nhiều ý kiến thảo luận, đóng góp để thực hiện chương trình vốn sao cho hiệu quả.

Ông Trần Việt Sơn, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho biết: Để nguồn vốn chương trình phát huy hiệu quả, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức chính trị – xã hội, UBND các cấp… về chính sách cho vay đối với HSSV để mọi người đều biết và thực hiện. Đồng thời, đơn vị tiếp tục cải tiến thủ tục vay vốn để phục vụ người dân nhanh chóng, thuận lợi; hướng dẫn làm hồ sơ và tổ chức giải ngân kịp thời đối với các hộ có hồ sơ vay vốn; đảm bảo các đối tượng có nhu cầu đều được hưởng chính sách vốn.

KIM HUYÊN