Thứ hai,  08/07/2024

Chương trình, dự án theo Quyết định 1776 của Thủ tướng: Thiếu vốn – chậm tiến độ

(LSO) – Những năm qua, tỉnh Lạng Sơn chủ động triển khai thực hiện Quyết định 1776, ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình bố trí dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013 – 2015 và định hướng đến năm 2020. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện các chương trình, dự án còn chậm, kết quả đạt thấp.

Theo Quyết định 1776 của Thủ tướng Chính phủ có 4 chương trình, dự án được đầu tư gồm: dự án bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai; bố trí ổn định dân cư vùng biên giới hải đảo; bố trí dân cư vùng đặc biệt khó khăn và bố trí ổn định dân di cư tự do, dân cư trú trong khu rừng đặc dụng.

Người dân xây dựng nhà mới tại bản tái định cư biên giới Nặm Xà, xã Đội Cấn, huyện Tràng Định

Dựa trên kết quả rà soát và nhu cầu thực tế, tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng kế hoạch thực hiện Quyết định 1776 giai đoạn 2013 – 2015 và định hướng đến 2020 với mục tiêu ổn định dân cư cho 2.161 hộ dân.

Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh lập kế hoạch đầu tư 24 dự án về xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu (đường giao thông, điện sinh hoạt, công trình nước sinh hoạt, nhà văn hóa thôn và san lấp mặt bằng tạo quỹ đất tái định cư) nhằm bố trí cho các hộ dân thuộc đối tượng được hưởng. Tuy nhiên, đến cuối năm 2018, toàn tỉnh mới lập và triển khai được 17 dự án cơ sở hạ tầng và số dự án cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện bố trí dân cư được phê duyệt là 11 dự án. Trong đó, mới có 6 dự án hoàn thành và 5 dự án đang thi công dở dang. Các dự án này đều là dự án di dân tái định cư lập bản mới khu vực biên giới tập trung tại các huyện: Tràng Định 3 dự án; Văn Lãng 1 dự án; Cao Lộc 1 dự án và Lộc Bình 1 dự án. Các dự án đã, đang phát huy hiệu quả, các công trình hạ tầng thiết yếu được đầu tư đều đạt tiêu chí nông thôn mới.

Đặc biệt, tại huyện Tràng Định, các dự án di dân tái định cư biên giới được đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, bảo đảm các điều kiện duy trì phát triển sinh kế cho người dân đến nơi ở mới. Đáng chú ý là hệ thống hạ tầng giao thông được thiết kế bảo đảm tính kết nối liên vùng và đạt cứng hóa, thuận lợi cho việc phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng.

Ông Nông Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định cho biết: Xã được đầu tư xây dựng khu tái định cư bản Kéo Kèn, đến nay, dự án hoàn thành với hệ thống hạ tầng được đầu tư đồng bộ, đường giao thông kết nối với đường tuần tra biên giới và liên thông với quốc lộ 3B rất thuận lợi. Do vậy, số hộ đăng ký xin ra bản mới đã tăng gấp đôi so với thiết kế với 44 hộ có đơn xin ra bản mới. Xã đang rà soát, xem xét, quan điểm là ưu tiên các hộ có khó khăn về chỗ ở và có đất đai phục vụ sản xuất sát khu tái định cư.

Được biết đến nay, 6 dự án ổn định dân cư tập trung khu vực biên giới hoàn thành xây dựng đã thu hút 219 hộ dân đến khu tái định cư ổn định sinh sống. Tuy nhiên, việc bố trí ổn định chỗ ở cho người dân theo quyết định 1776 phạm vi toàn tỉnh so với kế hoạch đặt ra còn thấp (mới có 306/2.161 hộ được bố trí, tương đương 14%). Trong đó, ổn định vùng thiên tai là 107 hộ và 219 hộ khu vực biên giới.

Kết quả bố trí dân cư đạt thấp so với kế hoạch bởi kinh phí bố trí triển khai các chương trình dự án trong thời gian qua rất thấp. Trong khi đó, hầu hết các dự án đều triển khai tại khu vực vùng sâu, biên giới, điều kiện đi lại khó khăn, địa hình xây dựng phức tạp đòi hỏi nguồn kinh phí lớn. Đến nay, tổng số vốn được phê duyệt cho các dự án bố trí dân cư khoảng 400 tỷ đồng nhưng kinh phí bố trí mới được khoảng 100 tỷ đồng. Không những vậy, tại một số dự án, do việc khảo sát thiết kế chưa phù hợp, công trình được xây dựng không phát huy hiệu quả; nhiều hạng mục sau khi đầu tư xây dựng do điều kiện thời tiết khắc nghiệt dẫn tới sạt lở, phát sinh khối lượng cần khắc phục.

Ngoài ra, do việc bố trí vốn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiều công trình phục vụ ổn định dân cư chậm tiến độ ảnh hưởng lớn đến kế hoạch bố trí dân cư ra nơi ở mới. Ví dụ như dự án di dân lập bản mới biên giới Nà Ngòa, xã Tân Thanh; dự án di dân lập bản mới biên giới Pò Lục, xã Thụy Hùng, huyện Văn Lãng; dự án di dân lập bản mới biên giới Nà Khoang, xã Tam Gia, huyện Lộc Bình; dự án ổn định dân cư, chống di cư tự do cho 3 thôn: Bản Lăm, Thiên Cần, Hợp Đường, xã Liên Sơn, huyện Chi Lăng.

Thực tế khảo sát tại các khu vực thực hiện các dự án ổn định dân cư tại các xã biên giới và nội địa cho thấy: nhu cầu sinh sống tại chỗ ở mới của người dân là rất lớn. Do vậy, để đẩy nhanh tiến độ, đáp ứng yêu cầu ổn định dân cư theo đúng mục tiêu kế hoạch đặt ra, việc huy động, bố trí nguồn lực để thực hiện mục tiêu này trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết. Đặc biệt là huy động nguồn vốn của trung ương bố trí cho chương trình kết hợp lồng ghép với các chương trình dự án mục tiêu của Chính phủ. Bên cạnh đó, tỉnh cần xem xét ưu tiên nguồn vốn từ nguồn ngân sách để bố trí cho chương trình này trong năm 2018 và những năm tiếp theo.

CÔNG QUÂN