Thứ sáu,  20/09/2024

Độc đáo bánh chưng đen của người Tày Bắc Sơn

(LSO) – Ai đã từng đến huyện Bắc Sơn chắc hẳn sẽ nhớ những triền quýt chín vàng, những ngôi nhà sàn san sát trên những vạt đồi với những điệu hát then làm say đắm lòng người. Đặc biệt, Bắc Sơn còn có nhiều điều để khám phá, nhất là các món ẩm thực mà bất cứ ai đã một lần thưởng thức đều nhớ mãi không quên, trong đó, phải kể đến bánh chưng đen – món ăn năm mới truyền thống, độc đáo của người Tày nơi đây.

Mỗi dịp tết đến, xuân về, người dân huyện Bắc Sơn lại tất bật chuẩn bị nguyên liệu quen thuộc để làm bánh chưng đen. Các thế hệ người Tày Bắc Sơn ngay từ nhỏ đã được xem các bà, các mẹ gói bánh chưng đen nên việc làm này đã trở thành nét đẹp truyền thống, được lưu giữ từ đời này sang đời khác. Bên cạnh đó, do nhu cầu thị trường, người dân không chỉ làm bánh chưng đen vào dịp lễ, tết mà họ còn làm hằng ngày để phục vụ khách hàng, đặc biệt là khách du lịch khi đến với Bắc Sơn.

Chị Trần Thị Hải, khách du lịch đến từ Hà Nội cho biết: Có dịp đến huyện Bắc Sơn, tôi được thưởng thức món bánh chưng đen, ăn dẻo, thơm, vị mát. Mùi vị khá đặc biệt nên tôi đã mua về làm quà và xin cả số điện thoại để sau này đặt bánh.

Bà Nguyễn Thị Lý, khối phố Nguyễn Thị Minh Khai, thị trấn Bắc Sơn gói bánh chưng đen

Không riêng chị Hải mà phần lớn những người đến với Bắc Sơn, được ăn bánh chưng đen đều tìm mua về làm quà. Món bánh làm khá công phu, qua nhiều công đoạn, do vậy, nếu muốn mua với số lượng lớn, khách hàng phải đặt trước.

Bánh chưng đen được làm từ những nguyên liệu như bánh chưng truyền thống. Tuy nhiên, một nguyên liệu đặc biệt tạo nên sự khác biệt của bánh chưng đen so với bánh chưng truyền thống, đó là tro của rơm nếp, đây chính là nguyên liệu tạo cho bánh màu đen bóng lạ mắt, quyện chặt vào từng hạt nếp chắc mẩy, khi ăn có mùi thơm và vị mát chứ không nóng như bánh chưng thông thường.

Ngay từ tháng 10 âm lịch, người Tày Bắc Sơn đã chuẩn bị những nguyên liệu đầu tiên để làm bánh. Sau vụ lúa mùa, người dân chọn những cọng rơm nếp to, có thân, đem phơi khô rồi đốt thành tro. Sau đó đem về giã, lấy phần mịn nhất rồi trộn với gạo nếp thơm để tạo ra màu sắc đặc biệt cho bánh.

Loại gạo để làm bánh chưng đen phải là gạo nếp cái thơm, hạt tròn, mẩy, không gẫy. Đặc biệt, trên địa bàn huyện Bắc Sơn có xã Bắc Sơn cấy lúa nếp cái hoa vàng, nếu bánh chưng đen được làm từ loại gạo này sẽ làm cho bánh càng thêm đậm đà, mang hương vị riêng có. Gạo đem vo thật kỹ, xóc với muối rồi đem tro nếp trộn lẫn với gạo, hai nguyên liệu này sau khi được trộn, thì người làm bánh phải xoa thật đều để tro ngấm kỹ vào gạo, càng xoa được lâu, tro càng ngấm vào hạt gạo, khi ăn càng có vị thơm. Sau khi trộn gạo với tro, dùng lá dong để gói, nhân bánh là đỗ xanh, thịt mỡ, bánh chưng đen được gói thủ công, dài khoảng 28 – 30 cm. Sau đó bánh được ngâm qua nước lạnh rồi xếp vào nồi, đổ nước cho ngập mặt lá, đun khoảng 4 – 5 tiếng thì vớt ra.

Khi thưởng thức, người dân lấy chính sợi lạt quấn quanh thân bánh để cắt thành từng khoanh. Trong các mâm cỗ ăn hỏi, tiệc cưới hay tiệc đãi khách của người Bắc Sơn không thể thiếu món bánh này.

Theo lời giới thiệu của người dân, chúng tôi đến gia đình bà Nguyễn Thị Lý, khối phố Nguyễn Thị Minh Khai, thị trấn Bắc Sơn – người đã có kinh nghiệm hơn 20 năm làm bánh. Bà Lý cho biết: Xuất phát từ nhu cầu của khách hàng, từ năm 1998 đến nay, tôi làm bánh chưng đen để bán. Trung bình mỗi ngày tôi làm từ 40 đến 50 cái bán lẻ ở chợ, với giá 30 nghìn đồng/cái, các nhà hàng hay khách hàng đặt cho lễ cưới, đám hỏi phải đặt trước. Vào dịp Tết Nguyên đán, khách đặt trước 1 tháng, nhưng tôi cũng không làm xuể.

Ngoài gia đình bà Lý, trên địa bàn thị trấn Bắc Sơn có khoảng 5 gia đình làm bánh thường xuyên để bán. Đặc biệt, vào dịp Tết Nguyên đán, hầu như gia đình người Tày nào trên địa bàn huyện cũng làm hoặc mua bánh chưng đen để cúng gia tiên, đãi khách.

Khoảng 3 năm trở lại đây, để giới thiệu sản phẩm bánh chưng đen đến khách hàng gần xa, bà Lưu Thị Nguyệt, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bắc Sơn đã thành lập Tổ gói bánh chưng đen. Bà Nguyệt chia sẻ: “Tổ gói bánh chưng đen chỉ làm trong vòng 3 tháng giáp Tết Nguyên đán, bắt đầu từ tháng 10 âm lịch. Thời điểm khách hàng đặt bánh nhiều nhất là từ ngày 15 tháng Chạp, khi đó tôi phải thuê 6 – 7 chị em tham gia gói bánh cùng. Trung bình hằng năm, tổ bán ra thị trường khoảng 10.000 chiếc bánh chưng đen cho các khách hàng trong và ngoài tỉnh, trong đó, khách hàng xa nhất ở các tỉnh miền Nam.

Ông Phạm Bá Phương, Chủ tịch UBND thị trấn Bắc Sơn cho biết: “Hiện nay, bánh chưng đen không chỉ còn là món ăn riêng của người Tày Bắc Sơn mà đã trở thành món ăn ưa thích của nhiều người dân ở các vùng lân cận, du khách gần xa. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền thị trấn tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về đảm bảo an toàn thực phẩm trong các khâu làm bánh và quảng bá sản phẩm để bánh chưng đen Bắc Sơn vươn xa hơn nữa trên thị trường”.

KIM HUYÊN