Thứ tư,  18/09/2024

Nữ họa sĩ đam mê tranh khắc gỗ

(LSO) – Những tưởng loại hình nghệ thuật “làm bạn” với gỗ như này chỉ cuốn hút nam giới nhưng trong làng hội họa tỉnh ta lại có một nữ họa sĩ rất đam mê với tranh khắc gỗ. Đó chính là nữ họa sĩ tài hoa Lương Mai Anh, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh.

Lương Mai Anh sinh năm 1983, dân tộc Tày, quê ở xã Trùng Khánh, huyện Văn Lãng. Năm 2002, Mai Anh thi đỗ vào Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc (Thái Nguyên), học chuyên ngành hội họa. Năm 2005, sau khi tốt nghiệp, Mai Anh được phân công về công tác tại Phòng Văn hóa – Thông tin thành phố, nay là Trung tâm Văn hóa – Thể thao thành phố Lạng Sơn. Sau đó, cô học lên Đại học tại Khoa Hội họa, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Vốn có niềm đam mê với hội họa, vì vậy, ngoài thời gian làm việc tại cơ quan, Mai Anh còn dành thời gian đến những làng bản, quê hương Xứ Lạng để cảm nhận và có thêm cảm hứng để cho ra đời những bức vẽ chất chứa đầy cảm xúc.

Nữ họa sĩ Mai Anh tỉ mẩn với những nét khắc

Với những tác phẩm có chủ đề về phong cảnh quê hương, làng bản và người phụ nữ rất đỗi bình dị nhưng lại được làm bằng cả tâm huyết, kỹ thuật đa dạng với việc sử dụng chất liệu tranh khắc gỗ một cách khéo léo, nữ họa sỹ Lương Mai Anh đã thổi hồn vào những tác phẩm của mình, không chỉ được giới chuyên môn đánh giá cao, mà còn đem đến cho người xem những cảm nhận rõ nét nhất về nghệ thuật tranh khắc gỗ.

Sáng tác tranh khắc gỗ là công việc đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức. Khi khắc gỗ lại cần sự cẩn trọng và tỉ mỉ đến từng chi tiết, thế nhưng Mai Anh vẫn chọn đi theo mảng tranh này. Họa sĩ Mai Anh đã dành nhiều tâm huyết để sáng tác những bức tranh khắc gỗ với đề tài về phong cảnh, đời sống và con người miền núi, thổi hồn vào trong đó sự dung dị và rất “đời”. Trong đó, “Đợi” là tác phẩm được Mai Anh yêu thích nhất, dành nhiều thời gian để sáng tạo nhất và cũng đem đến cho Mai Anh nhiều giải thưởng. Tác phẩm đã đạt giải C Giải thưởng triển lãm mỹ thuật tỉnh Lạng Sơn năm 2012; giải C Giải thưởng văn học nghệ thuật Hoàng Văn Thụ lần thứ IV (2009 – 2014).

Mai Anh chia sẻ: Trong tác phẩm “Đợi”, tôi đã khắc họa người phụ nữ dân tộc với hai thúng rau rừng giữa một phiên chợ. Nếu hiểu một cách đơn giản, “Đợi” ở đây là sự mong ngóng, chờ đợi người đến mua hàng, mong sao cho bán được hết hai thúng rau. Nhưng nếu hiểu một cách sâu xa hơn thì “Đợi” trong sáng tác của tôi chính là sự mong ngóng, sự chờ đợi của người phụ nữ ở tương lai về một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Trong tác phẩm “Mỗi buổi sớm mai”, người xem có thể thấy trong đó những hình ảnh rất đỗi quen thuộc, gần gũi với mỗi người dân Việt Nam, đó là chiếc xe máy, con gà trống, hay chiếc nón lá. Mà cụ thể hơn là nó gắn liền với đời sống lao động mỗi ngày. Những hình ảnh tưởng như rất bình dị và chẳng có gì nổi bật lại được họa sĩ Mai Anh thể hiện bằng những nét vẽ tinh xảo, cùng với màu sắc tinh tế, nhằm thể hiện một ý nghĩa sâu xa hơn: đó chính là vẻ đẹp của người dân lao động, cụ thể ở đây là hình ảnh của người vợ, người mẹ – người phụ nữ trong gia đình với mỗi buổi sớm mai tần tảo mưu sinh kiếm sống, lo cho cuộc sống gia đình, thấp thoáng sau chiếc nón lá truyền thống.

Mai Anh chia sẻ: “Mỗi buổi sớm mai” có thể hiểu là một công việc được lặp đi lặp lại hằng ngày, hay cũng có thể hiểu là một niềm mong ước không bao giờ ngơi nghỉ trong lòng người phụ nữ – mong ước về một cuộc sống no ấm, đầy đủ cho chồng, cho con, cho những người thân yêu trong gia đình mình.

Tác phẩm “Mỗi buổi sớm mai” là bức tranh vừa được tham dự triển lãm mỹ thuật khu vực III (Tây Bắc – Việt Bắc) lần thứ 24 tại tỉnh Hà Giang vào trung tuần tháng 9/2019 và đây cũng là tác phẩm được giải C Giải thưởng VHNT Hoàng Văn Thụ lần thứ V năm 2019 (tháng 10/2019); Giải thưởng VHNT của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2019.

Hình ảnh người phụ nữ luôn là nguồn cảm hứng và đề tài để các nghệ sĩ sáng tạo nên các tác phẩm mỹ thuật trong lịch sử hình thành và phát triển của mỹ thuật Việt Nam. Với Mai Anh cũng vậy, là một người phụ nữ, làm vợ và làm mẹ nên hơn ai hết nữ họa sĩ hiểu và trân trọng, nâng niu cái đẹp thiên phú của những người phụ nữ, đó là vẻ đẹp của tâm hồn xuất phát từ đức hạnh, đạo lý làm vợ, làm mẹ của người phụ nữ Việt Nam. Dù ở vai trò nào, họ đều toát lên vẻ đẹp của đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó, chăm lo vun vén cho cuộc sống gia đình. Những hình ảnh thiêng liêng ấy được Mai Anh thể hiện trong các tác phẩm như: “Đợi”; “Mỗi buổi sớm mai”; “Bán lợn”…

Ngoài ra, trong các mảng đề tài khác, tranh vẽ của Mai Anh đi theo trường phái hiện thực và truyền cảm hứng bởi những danh họa theo trường phái hiện thực như danh họa Tô Ngọc Vân – nổi tiếng với bức tranh “Thiếu nữ bên hoa huệ”. Dù là ở mảng tranh nào, các bức vẽ của Mai Anh cũng đều toát lên sự giản đơn, bình dị, yêu đời, thể hiện một tâm hồn nhạy cảm, một trái tim nóng bỏng nhiệt huyết và tình yêu quê hương, đất nước dâng trào.

Bà Vi Thị Thu Đạm, Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh cho rằng: Mai Anh là một trong những nữ họa sỹ tiêu biểu của Chi hội Mỹ thuật, Hội VHNT Lạng Sơn và giành được rất nhiều giải thưởng. Với những cống hiến cho nghệ thuật, tháng 9/2019, Mai Anh đã vinh dự là hội viên thứ 7 của Chi hội Mỹ thuật, Hội VHNT tỉnh Lạng Sơn được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam. Đây không chỉ là vinh dự riêng đối với Mai Anh, mà còn cả với Chi hội Mỹ thuật và Hội VHNT tỉnh nói chung.

Với 17 năm sáng tác, hiện nay Mai Anh đã có trên 30 tác phẩm ở mảng tranh khắc gỗ và tranh acrylic+sơn dầu và giành được những giải thưởng cao của tỉnh, khu vực và toàn quốc. Những kết quả này cũng chính là động lực, là cơ hội để Mai Anh tiếp tục sáng tác, cho ra đời những tác phẩm tranh khắc gỗ dung dị mà chất chứa những nỗi niềm cảm xúc yêu thương, tiếp tục có những cống hiến cho mỹ thuật Lạng Sơn nói riêng và mỹ thuật Việt Nam nói chung.

Bên cạnh những thành công trong nghệ thuật, Mai Anh còn có một gia đình nhỏ hạnh phúc với hai cô con gái “diệu” cũng đam mê hội họa như mẹ. Nữ họa sĩ sinh năm Quý Hợi này cho rằng mình là người may mắn bởi xuất phát điểm của cô trong gia đình không có truyền thống hội họa, chồng công tác trong lực lượng công an nhưng cô luôn được gia đình nội, ngoại đồng thuận, ủng hộ để cô có thể sống, đam mê với nghề vẽ. Nói về những dự định trong năm mới, Mai Anh chia sẻ: Hiện nay, tôi đang tập trung sáng tác về chủ đề mùa xuân với những phong tục tập quán truyền thống của người dân miền núi Xứ Lạng. Và để giới thiệu đến công chúng biết nhiều hơn loại hình nghệ thuật tranh khắc gỗ này, năm 2020, tôi ấp ủ mở một triển lãm tranh của riêng mình.

Chia tay nữ họa sĩ trẻ với nhiều thành công trong sự nghiệp và đầy ắp ý tưởng, sáng tạo, đam mê, tin rằng Lương Mai Anh còn gặt hái được nhiều thành công hơn nữa, đóng góp vào thành quả của mỹ thuật Xứ Lạng nói riêng, VHNT Lạng Sơn nói chung.

PHONG LINH