Thứ năm,  19/09/2024

Xuân về vang tiếng hát người cao

(LSO) – Những ngày đầu xuân, khắp mọi miền quê hương như bừng sức sống mới, không chỉ bởi cây cối đâm chồi nảy lộc, phố phường được trang hoàng đẹp đẽ mà còn bởi những lời ca, tiếng hát của người cao tuổi (NCT). Từ những làn điệu dân ca truyền thống cho tới các tiết mục văn nghệ không kém phần đặc sắc, hiện đại, phong trào văn nghệ của NCT đã góp phần mang đến không khí vui tươi, lành mạnh trong đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân.

Tranh thủ tiết trời nắng hanh những ngày cuối tháng 10 âm lịch, bà Hoàng Thị Mỳ, thôn Tổng Huồng, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn đem khăn quấn đầu ra nhuộm lại. Cẩn thận vuốt cho chiếc khăn phẳng phiu trên dây phơi, bà Mỳ cho biết: Đây là chiếc khăn tôi dùng quấn lên đầu khi đi hát sli cùng các bà, các mẹ vào mỗi dịp tết và những lễ hội đầu xuân. Năm nay cũng vậy, tết đến xuân về, tôi rất háo hức tham gia giao lưu văn nghệ cùng mọi người, chào đón một năm mới đầy lạc quan, mong mọi điều may mắn, thành công…

Người cao tuổi thôn Tổng Huồng, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn chuẩn bị trang phục để giao lưu văn nghệ trong lễ hội xuân năm 2021

Tại thôn Xa Đán, xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng, đã thành thông lệ, vào những ngày tết và ngày rằm tháng Giêng, mọi người lại đến nhà văn hóa thôn giao lưu văn nghệ. Khác với những ngày thường, các bà, các mẹ xúng xính quần áo chàm nhuộm mới, những bộ đàn then, chùm xóc nhạc, múa chầu cùng những lời ca tiếng hát kết nối hệ thống loa vang vọng cả thôn bản. Ai nấy đều vui tươi, phấn khởi, quên đi những vất vả của năm cũ, đón xuân mới đầy hân hoan, đoàn kết…

Không chỉ ở hai địa bàn trên, văn hoá văn nghệ là yếu tố không thể thiếu trong không khí vui xuân đón tết của Nhân dân ở khắp các thôn bản, khối phố. Trong đó, ở nhiều khu dân cư, NCT là hạt nhân trong phong trào. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 200 câu lạc bộ văn nghệ thu hút hơn 4.000 NCT tham gia sinh hoạt. Trong đó, hoạt động văn nghệ của NCT có nhiều loại hình khác nhau như: hát sli, lượn, hát then, đàn tính, thơ ca… Ngoài ra, còn hàng trăm tổ, nhóm văn nghệ của NCT ở các khu dân cư.

Khác với ngày thường, tết đến xuân về, gác lại những bộn bề của năm cũ, thành viên các câu lạc bộ, tổ nhóm văn nghệ NCT lại tập trung ở địa điểm nhất định như nhà riêng, nhà văn hoá thôn bản, khối phố hay gặp nhau tại những lễ hội xuân để trao cho nhau những lời ca tiếng hát. Nhiều bài ca, lời hát do các cụ, ông bà tự sáng tác, có thể bằng tiếng Kinh hoặc tiếng Tày, Nùng và nhiều tiết mục tự biên, tự diễn, mang đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống. Điều đó mang đến nét riêng có trong những ngày đầu xuân ở Lạng Sơn mà khó nơi nào có được.

Hằng năm, Lạng Sơn có trên 300 lễ hội được diễn ra với quy mô khác nhau. Hầu hết các lễ hội đều thu hút đông đảo NCT ở trong và thậm chí ngoài tỉnh đến dự giao lưu văn nghệ. Trong đó, đặc sắc nhất vẫn là các ông, các bà trong màu áo chàm truyền thống, đối đáp nhau bằng những câu hát sli, góp phần thu hút, níu chân khách du lịch khi tham dự lễ hội xuân trên địa bàn.

Ở khía cạnh khác, phong trào văn nghệ của NCT còn thể hiện đời sống ấm no, hạnh phúc, góp phần cổ vũ đời sống văn hoá tinh thần lành mạnh, tránh xa tệ nạn xã hội trong Nhân dân những ngày đầu xuân mới. Trong không khí ấy, rất nhiều thanh thiếu niên theo dõi, thưởng thức, thậm chí góp vui bằng các tiết mục, tránh được các vấn đề tiêu cực liên quan đến uống rượu, cờ bạc… Đặc biệt, phong trào văn nghệ của NCT những ngày đầu xuân còn là dịp lưu giữ và truyền dạy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc cho thế hệ trẻ. Chị Hồ Thị Mùi, quê ở xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng, hiện sinh sống và công tác tại thành phố Lạng Sơn bày tỏ: Mỗi dịp tết về quê, được xem các ông bà giao lưu văn nghệ, nhất là hát then, tôi rất thích. Tôi còn được các cụ truyền dạy, hướng dẫn hát then, đàn tính. Đến nay, tôi đã thể hiện được những nốt nhạc cơ bản và đệm được nhiều bài hát…

Khi không khí những ngày tết qua đi, mỗi người lại bắt tay vào công việc của năm mới, những người con làm ăn xa nhà lại lên đường, tạm xa những âm thanh quen thuộc. Nhưng chắc hẳn những lời ca, tiếng hát của NCT nơi quê hương sẽ là mạch nguồn để những người trẻ tiếp nối truyền thống, lưu giữ bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Và phong trào văn nghệ của NCT đã và đang tiếp tục thúc đẩy phong trào văn nghệ quần chúng phát triển sâu rộng hơn, góp phần để đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân ngày càng phong phú, lành mạnh, tiến bộ.

HOÀNG HUẤN