Thứ sáu,  20/09/2024

Tự hào nghề báo

(LSO) – Phóng viên Báo Lạng Sơn có người đến với nghề lâu năm, có người mới chập chững. Điểm chung giữa họ là đi nhiều nơi, biết nhiều chỗ, mỗi cung đường tác nghiệp là những kỷ niệm khó quên. Mỗi kỷ niệm chính là một sự trải nghiệm, giúp cho những người làm báo thêm gắn bó hơn với nghề, tiếp thêm động lực cho chặng đường phía trước.

Anh Nguyễn Đình Quyết, Phóng viên Phòng Kinh tế, Báo Lạng Sơn là một phóng viên trẻ thế nhưng là một trong những “cây bút sắc” của tòa soạn. Nghề báo đến với anh Quyết như một cái duyên, bởi chuyên ngành anh được đào tạo là ngành sư phạm.  Mặc dù là dân “sang ngang” nhưng khi đã dấn thân vào nghề, càng làm càng say mê. Với anh Quyết điều tâm đắc nhất ở nghề báo là được chứng kiến, trải nghiệm và chiêm nghiệm. Được biết đến nhiều nơi, phong tục tập quán của nhiều dân tộc, vùng miền. Những kỹ năng làm nghề đã giúp anh biết lắng nghe, biết đến nhiều hoàn cảnh… Làm báo tuy vất vả, lắm gian nan nhưng cảm thấy tự hào với nghề.

Phóng viên Báo Lạng Sơn trên đường tác nghiệp tại xã Lâm Ca, huyện Đình Lập

Anh Quyết tâm sự: Với tôi, thâm niên 8 năm trong nghề có không ít kỷ niệm với những lần đi cơ sở tác nghiệp và cũng nhiều “đứa con tinh thần” được ra đời. Một trong những tác phẩm có nhiều kỷ niệm nhất với tôi là bài phản ánh về tình trạng đổ trộm rác thải xây dựng ở xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn. Sau khi nghe phản ánh, tôi phối hợp với phóng viên cùng phòng theo dõi hoạt động đổ trộm rác thải 2 tuần liên tục. Để theo dõi, chúng tôi cải trang thành người chạy xe ôm. Trong quá trình tác nghiệp, có những “tai nạn” bất ngờ không giống như kịch bản định sẵn, chẳng hạn đang theo dõi xe vi phạm thì bị… chó đuổi, bỏ cả xe để chạy… vất vả, nhọc nhằn là vậy nhưng niềm động viên lớn nhất là tác phẩm được bạn đọc ghi nhận và tạo hiệu ứng xã hội tích cực.

Còn đối với chị Nguyễn Thị Minh Đức, Phóng viên Phòng Báo Điện tử lại có những kỷ niệm không thể nào quên trong hơn 10 năm gắn bó với nghề báo. Đối với chị, cái hay của nghề báo là sự tự do, phóng khoáng và nó cũng là một nghề sang trọng. Nhà báo có thể gặp từ người dân bình thường cho đến quan chức cao cấp, đó là điều mà không phải nghề nào cũng có được. Tuy nhiên, với yêu cầu nhanh, kịp thời về thông tin, người làm báo cũng rất nhiều áp lực. Không chỉ lăn lộn với thực tế để thu thập thông tin mà còn phải làm tin, nộp bài đúng ngày, đúng giờ.

Điều đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, để tạo uy tín, thu hút được bạn đọc với tờ báo mình, mỗi tờ báo đều cạnh tranh sao cho thông tin phải nhanh nhạy, chính xác, bám sát sự kiện. Do đó, người làm báo luôn trong tư thế sẵn sàng đi, sẵn sàng đến những nơi nguy hiểm, khó khăn gian khổ để chuyển tải những thông tin, sự kiện đến bạn đọc cần quan tâm.

Nghề báo là nghề đặc thù và có phần khắc nghiệt hơn những nghề khác, phóng viên phải chịu áp lực từ nhiều phía. Trong quá trình tác nghiệp, người phóng viên không ngại khó, ngại khổ, lăn lộn đến những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nhất để kịp thời phản ánh hơi thở của cuộc sống, là cầu nối đưa những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Thế nhưng, mỗi tác phẩm ra đời, được bạn đọc đón nhận, có đóng góp tích cực cho xã hội như tiếp thêm niềm vui, niềm tự hào cho những người làm báo.

Hiện nay, tòa soạn Báo Lạng Sơn có trên 50 cán bộ, phóng viên, người lao động. Mỗi người một nhiệm vụ khác nhau, nhưng đều thấm nhuần phương châm  “Bút sắc, lòng trong, tâm sáng” làm kim chỉ nam trong hoạt động nghề nghiệp; nỗ lực phấn đấu để mỗi tác phẩm ra đời sẽ góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, xứng đáng với trọng trách to lớn mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

HẢI ĐĂNG