Thứ sáu,  20/09/2024
Cải cách hành chính:

Thấy gì từ xếp loại kết quả

LSO-Xếp loại kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC) là một công cụ hữu hiệu giúp cho nhiệm vụ CCHC được thực hiện chất lượng hơn, nhất là với những đơn vị còn sức ì về công tác này. 
Người dân thực hiện TTHC tại bộ phận “một cửa” UBND thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc

Năm 2017, kết quả thực hiện công tác CCHC của UBND huyện Hữu Lũng đạt 77,9 điểm. Với con số này, huyện là đơn vị đứng ở top cuối trong bảng xếp loại. Kết quả đạt thấp như vậy là do năm 2017, việc ban hành các văn bản liên quan đến công tác CCHC bị chậm. Công tác rà soát đối với 10 thủ tục hành chính (TTHC) còn nhiều hạn chế. Số lượng cán bộ cấp xã chưa đạt chuẩn về trình độ chuyên môn còn chiếm tỷ lệ cao với gần 38% (98/260 người). Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 còn thấp…

Ông Mai Xuân Thắng, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Hữu Lũng cho biết: Việc đứng ở top cuối trong bảng xếp loại kết quả công tác CCHC năm 2017 là dịp UBND huyện và các cấp, ngành liên quan trên địa bàn soi và sửa nhằm đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới. Ngay sau khi có kết quả, cuối tháng 12/2017, UBND huyện đã đề ra 4 nội dung để khắc phục hạn chế và nâng chất lượng công tác CCHC gồm: ban hành văn bản đúng thời gian quy định; rà soát TTHC đạt tiến độ, chất lượng; xây dựng kế hoạch kiểm tra thực hiện công tác CCHC tại các cơ quan, đơn vị; giảm tỷ lệ cán bộ cấp xã không đạt chuẩn xuống còn 30%; cung cấp 100% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Năm 2017, qua đánh giá, xếp loại thực hiện công tác CCHC, toàn tỉnh có 22/31 cơ quan, đơn vị  được xếp loại tốt; 9/31 cơ quan, đơn vị được xếp loại khá. Không riêng huyện Hữu Lũng, kết quả xếp loại tác động mạnh đến tất cả các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước trong toàn tỉnh. Điều này thể hiện ở việc các cơ quan, đơn vị chủ động thực hiện công tác CCHC, quyết tâm nâng điểm số, cải thiện chất lượng.

Ông Hoàng Minh Tuyền, Phó Trưởng Phòng CCHC, Sở Nội vụ cho biết: Qua theo dõi và tổng hợp kết quả CCHC quý I/2018, 100% cơ quan, đơn vị hành chính ban hành các văn bản triển khai công tác CCHC năm 2018 đúng thời gian quy định (trước ngày 30/1/2018). Ngay từ đầu năm, các đơn vị đã đẩy mạnh việc đưa TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết ra thực hiện theo cơ chế “một cửa”, “một cửa” liên thông, gần 3 tháng đầu năm, đã có 6 sở, ngành được Sở Nội vụ thẩm định xong 130 TTHC đưa ra “một cửa”, “một cửa” liên thông.

Kết quả trên cho thấy: việc xếp loại kết quả thực hiện công tác CCHC có tác dụng tích cực đến thực hiện 6 nội dung CCHC tại các cơ quan, đơn vị hành chính. Công tác này đã được triển khai, thực hiện đều đặn từ năm 2012 đến nay. Qua 8 năm thực hiện, nhiều cơ quan, đơn vị luôn biết phát huy tốt kết quả như: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tư pháp, UBND thành phố Lạng Sơn, UBND huyện Bắc Sơn, Cao Lộc… Một số cơ quan bị đánh giá thấp hoặc còn những “sức ì” về CCHC cũng quyết tâm nâng chất lượng CCHC bằng những việc làm cụ thể. Đơn cử qua kết quả xếp loại năm 2017, 9 cơ quan, đơn vị đứng ở top khá – xếp loại thấp nhất (các sở: Công thương, Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, Ban Dân tộc và UBND các huyện: Văn Quan, Tràng Định, Hữu Lũng) đã sớm đưa ra hướng khắc phục kết quả xếp loại CCHC. Nội dung khắc phục tập trung vào việc phát huy, duy trì kết quả tốt và sửa chữa những nội dung bị đánh giá thấp, còn nhiều hạn chế.

Ông Phạm Tuấn Tú, Trưởng Phòng CCHC, Sở Nội vụ cho biết: Đánh giá, xếp loại CCHC thực sự trở thành công cụ hữu hiệu đo lường kết quả thực hiện công tác CCHC của các cơ quan, đơn vị. Qua từng năm, việc đánh giá, xếp loại CCHC được sửa đổi, bổ sung tiêu chí, cách thức chấm điểm để việc xếp loại đi vào thực chất hơn. Cái được lớn nhất chính là qua kết quả xếp loại, các cơ quan, đơn vị không chỉ so sánh về số điểm, top xếp hạng giữa từng cơ quan mà còn tự xem xét lại số điểm năm nay so với năm trước để biết phát huy hay khắc phục nội dung gì làm cho công tác CCHC chất lượng, hiệu quả hơn, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. 

MINH ĐỨC