Thứ sáu,  20/09/2024
Sáp nhập thôn, khối phố:

Giảm cồng kềnh, nâng hiệu quả

LSO-Với hiện trạng như hiện nay về cơ cấu con người, địa hình thì các thôn, khối phố trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đang làm cho bộ máy trở nên cồng kềnh, số người hoạt động không chuyên trách (NHĐKCT) cấp thôn lớn, gây lãng phí ngân sách nhà nước nên việc sáp nhập các thôn, khối phố đang được tỉnh đẩy mạnh thực hiện. 

Cán bộ “một cửa” UBND xã Đồng Bục (Lộc Bình) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân thôn Khòn Quắc – thôn được đề xuất sáp nhập với thôn Phiêng Phấy trong năm 2018

Thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, từ năm 2014 đến nay, Lạng Sơn đã sáp nhập 19 thôn thành 9 thôn, giảm 10 thôn. Trong đó, 13 thôn có quy mô dưới 50 hộ dân. Việc thực hiện sáp nhập các khối phố có quy mô dưới 100 hộ dân chưa được thực hiện. Tính đến hiện tại, toàn tỉnh có 2.314 thôn, khối phố (2.252 thôn, 162 khối phố) thuộc 22 xã, phường, thị trấn. Trong số này có tới 32,4% thôn, khối phố có quy mô dân số ít, cụ thể là 730 thôn dưới 50 hộ dân và 20 khối phố dưới 100 hộ.

Theo quy định hiện nay, mỗi thôn, khối phố có 11 chức danh NHĐKCT được hưởng phụ cấp hằng tháng từ ngân sách. Với tỷ lệ thôn, khối phố có quy mô dân số ít còn chiếm tỷ lệ cao trong khi bộ máy vẫn duy trì hoạt động và số lượng NHĐKCT lớn như hiện nay đã làm giảm nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế – xã hội, gây lãng phí ngân sách nhà nước. Sở Nội vụ đã tổng hợp, toàn tỉnh có tới 6.390 NHĐKCT hưởng phụ cấp trên 3,5 tỷ đồng mỗi tháng và trên 42,4 tỷ đồng 1 năm tại 750 thôn, khối phố có quy mô dân số nhỏ.

Ông Sầm Đức Bình, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Việc cải tổ, sắp xếp lại bộ máy, con người ở cấp thôn tại Lạng Sơn là hết sức cần thiết. Đây cũng là một trong những nội dung chính của cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020 là xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; giảm số lượng NHĐKCT cấp thôn để tiết kiệm ngân sách. Việc này sẽ được tỉnh quyết liệt thực hiện từ nay đến năm 2030.

Ngày 9/2/2018, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 25/KH-UBND về thực hiện sắp xếp, sáp nhập các thôn, khối phố trên địa bàn tỉnh. Theo đó giai đoạn 2018 – 2020, tỉnh tập trung sáp nhập các thôn ở những nơi có điều kiện khó khăn dưới 50 hộ, các khối phố có dưới 100 hộ. Trên cơ sở đề xuất của các huyện, thành phố, tỉnh đặt ra mục tiêu hết năm 2020 sẽ sáp nhập được 165 thôn và 4 khối phố. Riêng thành phố Lạng Sơn và huyện Hữu Lũng sẽ thực hiện sáp nhập thêm đối với các thôn có dưới 100 hộ, các khối phố có dưới 300 hộ. Giai đoạn 2021 – 2025, tập trung sáp nhập các thôn có quy mô dưới 100 hộ, khối phố có dưới 200 hộ. Thành phố Lạng Sơn và huyện Hữu Lũng sáp nhập thôn có dưới 200 hộ, khối phố có dưới 300 hộ. Giai đoạn 2026 – 2030, sáp nhập các thôn có quy mô dưới 200 hộ, các khối phố có dưới 300 hộ.

Sở Nội vụ đang tập trung theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các huyện, thành phố thực hiện kế hoạch, mục tiêu của tỉnh yêu cầu. Các sở, ngành liên quan đang tập trung đẩy mạnh tuyên truyền nội dung này. UBND các huyện, thành phố cũng đang tập trung chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp xã xây dựng đề án sắp xếp, sáp nhập thôn, khối phố. Bà Đường Thị Xuyến, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Lãng cho biết: Văn Lãng có 215 thôn, khối phố thì có tới 113 thôn có dưới 50 hộ và 2 khu phố có dưới 100 hộ. UBND huyện đã lên phương án sắp xếp các thôn, khối phố quy mô nhỏ; phấn đấu từ nay đến năm 2020 sắp nhập được 79 thôn thành 39 thôn. Trước mắt, trong năm 2018 sẽ sáp nhập 28 thôn thành 14 thôn. Như vậy, sau sáp nhập, không những bộ máy cấp thôn sẽ bớt cồng kềnh mà số NHĐKCT cấp thôn cũng giảm tương ứng khoảng 682 người, giúp ngân sách nhà nước tiết kiệm chi được 4 tỷ đồng/năm. Qua sự cải cách này, việc đầu tư nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội và công tác chỉ đạo điều hành sẽ được tập trung giúp cho hoạt động của Đảng và các tổ chức, các phong trào ở cấp thôn được hiệu quả hơn. 

MINH ĐỨC