Thứ sáu,  20/09/2024

Đi bộ trên đường sắt: Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn

LSO-Mùa hè đến, thời tiết nắng nóng nên mỗi buổi chiều nhiều người dân thường dành thời gian đi bộ thể dục, hóng mát, vui chơi tại những nơi công cộng như công viên, khu dân cư. Tuy nhiên, tại thành phố Lạng Sơn, không ít người lại chọn khu vực đường sắt để làm nơi tập thể dục, đi bộ… bất chấp nguy cơ tai nạn rình rập.


Người dân đi bộ thể dục trên đường sắt đoạn phường Đông Kinh

Theo ghi nhận của chúng tôi vào những ngày hè 2019, dọc tuyến đường sắt đi qua địa bàn thành phố Lạng Sơn vào khoảng 5 giờ chiều, không khó để bắt gặp từng tốp người dân đi tập thể dục, ngồi nghỉ hay trẻ con chơi đùa trên đường sắt.

Ngay tại khu vực sân Ga Lạng Sơn, phường Vĩnh Trại, khi vừa hết giờ làm việc, ban quản lý đã phải đóng cửa ra vào ga nhằm hạn chế người dân đi vào vui chơi, đi bộ, thể dục. Thế nhưng khi có mặt tại đây, chúng tôi vẫn thấy có đến vài chục người đi lại, vui chơi từ người già, thanh niên đến trẻ nhỏ. Phần lớn họ đi vào khu vực sân ga bằng những đường ngang, lối mở ở xung quanh.

Ông Hoàng Trung Kiên, khối 6, phường Đông Kinh cho biết: “Ngày nào tôi cũng ra đây tập thể dục. Ở khu vực đường sắt vừa sạch sẽ, thoáng mát nên mọi người hay rủ nhau lên đây đi bộ đông lắm”.

Khi được hỏi hầu hết người dân đều ý thức được việc đi lại, vui chơi trên đường sắt là nguy hiểm thế nhưng nhiều người vẫn chủ quan. Trên địa bàn thành phố chưa xảy ra vụ tai nạn giao thông đường sắt nào liên quan đến việc người dân đi bộ thể dục, vui chơi trên đường sắt. Tuy nhiên, hành vi đi bộ thể dục, vui chơi ở trên đường sắt, sân ga gây mất an toàn giao thông (ATGT), nhất là khi nhiều chuyến tàu chạy qua địa bàn thành phố không có thời gian cố định.

Ông Thân Văn Thành, Cung trưởng Cung đường sắt Tam Lung (đoạn qua địa phận thành phố Lạng Sơn) cho biết: Tại khu vực chúng tôi quản lý, vào mùa hè rất nhiều người dân đi lại tập thể dục, thậm chí cho con em mình lên sân ga, đường ray chơi, hóng mát, thả diều bất chấp những nguy hiểm rình rập. Mỗi ngày có đến cả trăm lượt người dân đi lại, vui chơi ở những khu vực có đường sắt đi qua.

Theo thống kê của Ban ATGT tỉnh, 6 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra 1 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm chết 1 người; tăng 1 vụ, 1 người chết so với cùng kỳ năm 2018. Gần đây nhất, vào hồi 15 giờ 30 phút ngày 17/6/2019, tàu ĐĐ6 chạy tuyến Hà Nội – Đồng Đăng, đi từ Ga Lạng Sơn đến Km 147 + 750 thuộc địa phận xã Mai Pha, bất ngờ có một người đàn ông cố tình đi bộ ngang qua đường sắt và bị tàu đâm dẫn tới tử vong.

Thành phố Lạng Sơn có tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng đi qua với chiều dài 11 km. Tuyến này đi qua địa bàn 4 phường, xã (Đông Kinh, Vĩnh Trại, Mai Pha, Hoàng Đồng) với 5 đường ngang có gác và 7 lối đi tự mở. Trung bình mỗi ngày có 12 chuyến tàu chạy trên tuyến, trong đó có 4 chuyến tàu khách cố định, đặc biệt những chuyến còn lại là không cố định thời gian. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.

Để đảm bảo ATGT, hạn chế thấp nhất tai nạn đường sắt xảy ra, các lực lượng chức năng như cảnh sát giao thông (CSGT), Thanh tra giao thông cũng nỗ lực vào cuộc, phối hợp cùng ngành đường sắt tăng cường tuần tra, kiểm soát, nắm chắc các hoạt động trên tuyến đường sắt.

Trung tá Nguyễn Văn Tỉnh, Phó đội Trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường sắt, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh cho biết: Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở, kiểm tra để người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về ATGT đường sắt. Trong 6 tháng đầu năm 2019, đội đã tổ chức 102 ca kiểm tra công tác bảo đảm an toàn chạy tàu tại các ga, cung đường trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; kiểm tra 398 lượt đường ngang có người gác; phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, phát trên 400 tờ rơi tuyên truyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt cho người dân…

Để người dân nâng cao nhận thức về đảm bảo ATGT đường sắt, các cơ quan chức năng, tổ chức, đoàn thể cần phối hợp tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: qua hệ thống pa nô, áp phích, biển báo về giao thông, giáo dục pháp luật về giao thông phù hợp với từng độ tuổi. Bên cạnh sự vào cuộc của ngành chức năng thì trên hết mỗi người tham gia giao thông, người dân sinh sống ven hành lang đường sắt phải nâng cao ý thức tự phòng ngừa nhằm tránh các vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Theo quy định tại Điều 9 Luật Đường sắt 2017 (có hiệu lực từ ngày 01/07/2018) quy định các hành vi nghiêm cấm thực hiện trong hoạt động đường sắt, trong đó có: Đi, đứng, nằm, ngồi hoặc hành vi khác trên đường sắt, trừ nhân viên đường sắt, lực lượng chức năng đang thi hành nhiệm vụ.
TRANG VÂN