Thứ sáu,  20/09/2024

Thực hiện Nghị quyết 19 của HĐND tỉnh: Hạ tầng giao thông nông thôn khởi sắc

(LSO) – Sau hơn 2 năm triển khai Nghị quyết 19/2016/NQ-HĐND ngày 9/12/2016 của HĐND tỉnh về phê chuẩn đề án phát triển giao thông nông thôn tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2016 – 2020, đến nay, hệ thống đường giao thông khu vực nông thôn, đặc biệt là đường trục xã đã được tăng cường đáng kể. Qua đó, góp phần thay đổi bộ mặt khu vực nông thôn miền núi, thúc đẩy phát triển kinh tế –  xã hội của tỉnh.

Mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra tại Nghị quyết 19 nêu rõ: phấn đấu đến hết 2020, tỷ lệ cứng hóa mặt đường giao thông nông thôn đạt tối thiểu 40%. Nhiệm vụ cụ thể: phấn đấu đến hết 2020, hệ thống đường trục xã cứng hóa thêm được 484 km, nâng chiều dài cứng hóa đạt 1.330 km/2.645 km, tương đương 50%.

Để thực hiện đạt mục tiêu đề ra, Sở Giao thông – Vận tải đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách huy động mọi nguồn lực để triển khai. Theo đó, hằng năm, ngân sách tỉnh thực hiện hỗ trợ xi măng, vật liệu cứng hóa các tuyến đường trục xã, liên xã; ngân sách cấp huyện hỗ trợ xi măng, vật liệu để cứng hóa các tuyến đường trục thôn, liên thôn.

Đoàn viên thanh niên và người dân xã Gia Lộc, huyện Chi Lăng làm đường giao thông nông thôn

Huyện Chi Lăng là một trong số các huyện phối hợp thực hiện Nghị quyết 19 có hiệu quả, từ huy động nguồn lực xã hội hóa lồng ghép thực hiện chương trình. Từ khi triển khai nghị quyết đến năm 2019, toàn huyện đã cứng hóa được 26,3 km đường trục xã với tổng vốn đã thực hiện 26,5 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ xi măng 6,6 tỷ đồng; cát, đá 10,3 tỷ đồng, hỗ trợ thi công 2,8 tỷ đồng, nhân dân đóng góp tiền mặt được 5,8 tỷ đồng, còn lại là huy động khác từ các nhà tài trợ, doanh nghiệp. Nhờ đó, các tuyến đường trục xã thuộc 13 xã gồm: Bằng Mạc, Gia Lộc, Y Tịch, Thượng Cường, Quan Sơn, Hữu Kiên, Lâm Sơn, Chiến Thắng, Vân An, Vân Thủy, Nhân Lý, Mai Sao, Bắc Thủy đã được củng cố đáng kể. Ngân sách của huyện đã hỗ trợ được 5 xã cứng hóa được 6,6 km đường bê tông xi măng với tổng kinh phí thực hiện hơn 3 tỷ đồng, trong đó, hỗ trợ xi măng hơn 1,3 tỷ đồng, cát đá 1,2 tỷ đồng, nhân dân đóng góp hơn 1,5 tỷ đồng.

Ông Hoàng Văn Trung, Chủ tịch UBND xã Bằng Mạc cho biết: Bằng Mạc là xã có địa bàn rộng, hệ thống hạ tầng giao thông còn nhiều khó khăn, vì vậy, khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 19 với cơ chế hỗ trợ cụ thể đã giúp xã củng cố hệ thống hạ tầng giao thông trục xã rất lớn. Nhờ đó, năm 2017, xã đã thực hiện đạt 4 chỉ tiêu thuộc tiêu chí giao thông đạt chuẩn nông thôn mới.

Thực tế cho thấy, sức lan tỏa từ Nghị quyết 19 về hỗ trợ cứng hóa các tuyến đường giao thông nông thôn, đặc biệt là các tuyến đường trục xã thể hiện rõ nét nhất ở các xã điểm nằm trong lộ trình đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020. Theo số liệu của Sở Giao thông – Vận tải, chỉ tính riêng trong năm 2017 và 2018, từ nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện nghị quyết, toàn tỉnh đã cứng hóa được 312 km đường trục xã, đạt 64% mục tiêu Nghị quyết 19 đề ra của cả giai đoạn với kinh phí cấp tỉnh đã hỗ trợ đạt hơn 94 tỷ đồng, kinh phí hỗ trợ của cấp huyện đạt hơn 65 tỷ đồng.

Bước sang năm 2019, trên cơ sở tổng hợp nhu cầu các huyện đề xuất, Sở Giao thông – Vận tải đã có tờ trình đề xuất UBND tỉnh xem xét phê duyệt các danh mục công trình đường trục xã. Theo đó, có 61 tuyến đường trục xã với chiều dài 106 km với tổng kinh phí hỗ trợ dự toán là hơn 87 tỷ đồng. Đầu năm 2019, UBND tỉnh đã bố trí 16,7 tỷ đồng để triển khai theo mục tiêu Nghị quyết 19 đề ra.

Ông Nguyễn Ngọc Thiều, Phó Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải cho biết: Trong năm 2019, thực hiện Nghị quyết 19, từ nguồn kinh phí phân bổ đầu năm sẽ ưu tiên cho các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2019 và 5 xã đặc biệt khó khăn phấn đấu đạt chuẩn giai đoạn 2016 – 2020. Đồng thời, đề nghị các huyện ưu tiên bố trí các nguồn để lồng ghép thực hiện phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu nghị quyết đã đề ra.

TRANG NINH – TÂN AN


Xây dựng đường giao thông nông thôn: Chung sức từ cộng đồng

(LSO) – Để triển khai làm đường giao thông nông thôn, bên cạnh sự đầu tư nguồn lực của nhà nước thì sự chung tay, góp sức của người dân, doanh nghiệp đã góp phần tích cực vào kết quả chung trong những năm qua.

Ông Hoàng Văn Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình: “Tăng cường tuyên truyền, vận động, huy động nguồn lực thực hiện tiêu chí giao thông”.

Để huy động nguồn lực từ cộng đồng trong thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, trong đó có tiêu chí giao thông, hằng năm, công tác tuyên truyền, vận động luôn được huyện quan tâm chỉ đạo sát sao. Qua 5 tháng đầu năm 2019, từ huyện đến xã, thôn đã tuyên truyền lồng ghép được hàng trăm cuộc về xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là tiêu chí giao thông; cấp phát 374 sổ tay thực hiện các tiêu chí; tổ chức 2 lớp tập huấn tại xã Tú Đoạn; Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện tổ chức tuyên truyền với 470 người tham gia… Qua đó, từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn huyện làm mới được gần 15 km đường bê tông; huy động được 11.240 công lao động; nhân dân đóng góp hơn 2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, quỹ ủng hộ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện thu được gần 600 triệu đồng. Đến nay, huyện Lộc Bình đã có 7 xã đạt tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới và phấn đấu hết năm 2019 có thêm 1 xã đạt tiêu chí này, qua đó, tiếp tục trở thành một trong những huyện có nhiều xã đạt tiêu chí giao thông nhất trên địa bàn tỉnh.

Ông Hoàng Văn Hưng, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại dịch vụ Giang Sơn, huyện Cao Lộc: “Tích cực tham gia đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng”.

Với đặc thù là đơn vị sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng nên trong những năm qua, thông qua những đợt kêu gọi ủng hộ của Sở Giao thông – Vận tải và huyện Cao Lộc (địa bàn hoạt động của công ty), công ty luôn tích cực ủng hộ, đóng góp bằng nhiều hình thức như: ủng hộ tiền mặt, vật liệu xây dựng, trực tiếp hỗ trợ xây dựng đường giao thông. Cụ thể, trung bình mỗi năm, công ty ủng hộ từ 50 đến 60 triệu đồng, có năm trên 100 triệu đồng để giúp các xã xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó có nhiều công trình hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, công ty cũng hỗ trợ vật liệu cho các xã điểm phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh, các xã lân cận quanh vùng sản xuất của công để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông… Mặc dù sự hỗ trợ của công ty chưa nhiều song cũng phần nào tháo gỡ khó khăn về vật liệu, qua đó, giúp người dân có thêm điều kiện để bê tông hóa đường giao thông nông thôn trên địa bàn.

Ông Lăng Văn Cương, trưởng thôn Nà Mùm, xã Mai Sao (huyện Chi Lăng): “Nhân dân chung tay góp sức làm đường”.

Trước đây, con đường trong thôn là đường đất, chỉ rộng từ 1,5 đến 2 m, đèo dốc quanh co, đi lại rất vất vả. Năm 2018, được sự hỗ trợ một phần nguồn lực của nhà nước, nhân dân trong thôn đã chung tay, góp sức làm đường. Cụ thể, 14 hộ dân thôn Tin Đèo (lúc đó chưa sáp nhập vào thôn Nà Mùm như hiện nay) đã hiến gần 1.000 m2 đất để mở rộng đường. Bên cạnh hiến đất, người dân trong thôn đã đóng góp tiền của để thuê máy móc, đóng góp hàng trăm ngày công để tạo mặt bằng, chuẩn bị cốt pha cũng như trực tiếp đóng góp công sức làm đường. Qua đó, thôn đã làm được 1,5 km đường bê tông xi măng rộng 3 m. Hiện nay, bà con trong thôn tiếp tục đóng góp công sức, tiền mặt để hoàn thiện nốt 500 m đường bê tông qua trục thôn. Giao thông thuận tiện, đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân trong thôn thuận lợi hơn rất nhiều.

ĐÌNH QUYẾT – CÔNG QUÂN